Định vị Hải Phòng trên bản đồ công nghiệp văn hóa (Bài 1):

Di sản cũ - Khát vọng mới!

THÚY HIỀN - THANH MAI; ảnh: SỞ VHTTDL HẢI PHÒNG

VHO - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13.5.1955 - 13.5.2025), thành phố Cảng đang rộn ràng trong không khí lễ hội, với hàng loạt hoạt động văn hóa - nghệ thuật quy mô và ý nghĩa.

Di sản cũ - Khát vọng mới! - ảnh 1
Hải Phòng đang nỗ lực đánh thức tiềm năng phát triển CNVH, xây dựng và phát triển thành đô thị đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đây không chỉ là dịp để người dân tri ân lịch sử, mà còn là thời khắc để Hải Phòng khẳng định vị thế mới - một đô thị năng động, hiện đại và đầy khát vọng vươn lên.

Dự kiến đón nhận danh hiệu “Thành phố Anh hùng”, Hải Phòng càng thêm tự hào nhìn lại chặng đường phát triển đầy bản lĩnh.

Trong bức tranh thành tựu ấy, ngành VHTTDL của thành phố đã có những đóng góp quan trọng, thấm đẫm tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm nơi đây vào tháng 10.1946: “Mọi người đồng tâm hiệp lực, chắc chắn thành phố Hải Phòng trở thành một thành phố gương mẫu của cả nước”.

 Từ một thành phố cảng, Hải Phòng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) - một ngành kinh tế mới giàu tiềm năng.

Với nền tảng là di sản phong phú, sức sáng tạo mạnh mẽ và hạ tầng đô thị ngày càng hiện đại, thành phố đang định hình mình như một điểm đến sáng giá trên bản đồ CNVH quốc gia.

“Mỏ vàng mềm” chờ khai mở

Năm 2025 đánh dấu 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; cũng là gần một thập kỷ kể từ khi Nghị quyết 33-NQ/TW về phát triển văn hóa và con người Việt Nam chính thức đi vào đời sống.

Hải Phòng, trong chặng đường ấy, đã có nhiều chuyển biến tích cực: Hơn 500 di tích được xếp hạng, 22 bảo vật quốc gia, 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hơn 400 lễ hội các cấp, cùng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như ca trù, chèo, múa rối nước…

Các thiết chế văn hóa cũng được quan tâm đầu tư, từ Cung văn hóa Việt Tiệp, Cung văn hóa thiếu nhi đến các khu di tích như Bạch Đằng Giang, Vương triều Mạc, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Đặc biệt, Trung tâm nghệ thuật biểu diễn với sức chứa 2.000 chỗ sẽ hoàn thành vào tháng 5.2025, hứa hẹn trở thành không gian tổ chức các sự kiện tầm cỡ trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Hải Phòng còn có một “tài nguyên” không thể thay thế là ẩm thực đường phố. Không cần đến nhà hàng Michelin, thành phố Hoa phượng đỏ vẫn khiến hàng triệu du khách “xếp hàng food tour” bởi những món ăn bình dị mà độc đáo: Bánh đa cua, nem cua bể, bún cá cay, lẩu cua đồng, hải sản...

Ẩm thực ở đây không chỉ là vị giác, mà còn là ký ức, là thương hiệu văn hóa sống động bậc nhất - nơi từng gánh hàng rong cũng trở thành “đại sứ” của bản sắc địa phương.

Tại Hội thảo phát huy bản sắc văn hóa và con người Hải Phòng (3.2025), TS Phạm Hữu Thư, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT TP Hải Phòng đã thẳng thắn nhìn nhận: Công nghiệp văn hóa của Hải Phòng vẫn chưa phát triển xứng tầm.

Các hoạt động như bảo tàng, nghệ thuật, vui chơi giải trí còn hạn chế về sức hút và quy mô quốc tế. Sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch còn nghèo nàn, chưa tạo được chuỗi giá trị gắn với làng nghề, không gian văn hóa hay di sản đô thị đặc trưng.

Nhiều lớp di sản quý như kiến trúc Pháp, di sản công nghiệp hay di sản cảng biển vẫn chưa được tích hợp thành không gian sáng tạo phục vụ kinh tế - du lịch.

Giám đốc Sở VHTTDL - TS Trần Thị Hoàng Mai nhận định: Hải Phòng đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, đòi hỏi chiến lược phát triển toàn diện và đột phá, để văn hóa không chỉ là giá trị tinh thần mà còn là động lực phát triển kinh tế.

Di sản, nếu được đánh thức đúng cách, sẽ vừa là quá khứ được gìn giữ, vừa là tương lai được kiến tạo. Hải Phòng có đủ tiềm lực để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa mới của miền Bắc và vươn ra quốc tế. Vấn đề chỉ còn là: Liệu chúng ta có sẵn sàng chuyển mình - từ tư duy bảo tồn sang tư duy sáng tạo hay chưa?

Di sản cũ - Khát vọng mới! - ảnh 2
Lễ hội Hoa phượng đỏ khẳng định bản sắc và vị thế của Hải Phòng

Cần cú chuyển mình trong tư duy phát triển CNVH

CNVH không phải là một cuộc đua ngắn hạn mà là hành trình dài hơi, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Trong bối cảnh làn sóng sáng tạo toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, Hải Phòng không thể mãi bước theo lối cũ. Đã đến lúc thành phố cần một cú chuyển mình mạnh mẽ - từ tư duy phát triển chiều rộng sang chiều sâu, từ khai thác tiềm năng sang kiến tạo bản sắc riêng.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, biểu tượng văn hóa đặc trưng của Hải Phòng, có tiềm năng trở thành “điểm tựa” cho sự chuyển đổi ấy. Nhưng không thể tiếp tục dừng lại ở những chương trình ca múa nhạc truyền thống, Lễ hội cần được “lột xác” thành một Festival nghệ thuật đường phố đẳng cấp quốc tế.

Hãy tưởng tượng một lễ hội nơi nghệ thuật ánh sáng, trình diễn đa phương tiện, thời trang, công nghệ và thị giác cùng hội tụ, một sân chơi không chỉ cho các nghệ sĩ Việt Nam mà còn là điểm hẹn quốc tế - nơi Hải Phòng thể hiện bản lĩnh tổ chức, tinh thần đổi mới và khát vọng hội nhập của một đô thị sáng tạo.

Để hình thành một số sản phẩm văn hóa chủ lực, phục vụ phát triển CHNH của Hải Phòng, TS Phạm Hữu Thư đề xuất mô hình “Thành phố âm nhạc gắn với nghệ thuật ẩm thực biển” như một hướng đi đột phá.

Tại đó, Lễ hội Âm nhạc và Ẩm thực Hải Phòng có thể trở thành sự kiện thường niên mang tầm khu vực, nơi các nghệ sĩ biểu diễn hòa mình vào không gian ẩm thực đường phố đặc trưng…

Kết hợp cùng khai thác chiều sâu di sản thương cảng, kiến trúc Pháp cổ, không gian văn hóa Cát Bà, Hạ Long..., Hải Phòng có thể kiến tạo một hành trình văn hóa - du lịch độc đáo, khác biệt và bền vững.

Hải Phòng cũng cần xác định con người là yếu tố then chốt, là động lực và mục tiêu của phát triển công nghiệp văn hóa - đó chính là quan điểm nhất quán được ông Nguyễn Văn Hiểu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hải Phòng khẳng định. Để phát triển CNVH, trước tiên phải đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực sáng tạo.

Sở hữu rất nhiều không gian cũ như bến cảng, nhà máy, kho bãi…, Hải Phòng hoàn toàn có thể được tái sinh thành trung tâm sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp văn hóa - nghệ thuật, thông qua mô hình hợp tác công - tư, đấu thầu thiết kế, vận hành, chuyển giao.

Tuy nhiên, để khơi dòng sáng tạo, rào cản chính sách phải được tháo gỡ. Từ tiếp cận vốn, ưu đãi thuế, thủ tục pháp lý đến truyền thông và quảng bá - tất cả cần một hệ sinh thái đồng bộ, linh hoạt, cởi mở hơn cho doanh nghiệp văn hóa tư nhân phát triển.

Công nghiệp văn hóa không thể đứng ngoài dòng chảy phát triển. Hải Phòng cần đưa công nghiệp văn hóa vào quy hoạch tổng thể thành phố thông minh - gắn kết với du lịch, công nghệ, logistics và giáo dục.

Một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là điều tất yếu. Trong đó, cần xác định rõ 3-4 ngành mũi nhọn, xây dựng bản đồ chuỗi giá trị, quy hoạch không gian sáng tạo và thiết kế mô hình tăng trưởng phù hợp. Đó sẽ là nền tảng để Hải Phòng không chỉ bắt kịp mà còn bứt phá trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.

(Còn tiếp)