Nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến:
Gieo mầm tình yêu văn hóa, lịch sử trong thế hệ trẻ
VHO - Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã không ngừng nỗ lực đổi mới và đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đồng thời nâng cao chất lượng nội dung giáo dục nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của công chúng. Để những hoạt động này đạt hiệu quả cao, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng.
Một trong những mảnh ghép tạo nên sức hút của công chúng đến với Bảo tàng có thể nhắc đến chị Nguyễn Thị Hà (Phòng Giáo dục, Công chúng). Với sự nỗ lực trong công tác giáo dục, chị Hà đã cùng các đồng nghiệp Bảo tàng khơi dậy tinh yêu di sản lịch sử văn hóa ở nhiều bạn trẻ, qua đó góp phần tôn vinh, quảng bá, giáo dục, tuyên truyền truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc. Năm 2023, chị Nguyễn Thị Hà là một trong 78 tấm gương điển hình tiên tiến toàn ngành, vinh dự được Bộ VHTTDL tuyên dương.
Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, những địa điểm tham quan du lịch, trong đó có các bảo tàng buộc phải đóng cửa. Trước sự gợi ý của lãnh đạo Bảo tàng, chị Hà và các thành viên trong phòng đã lên ý tưởng tạo ra những lớp học lịch sử online miễn phí, nhằm đa dạng hóa các hình thức giáo dục thông qua ứng dụng Zoom để phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Với kinh nghiệm thực tiễn lâu năm trong công việc xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, những khóa chia sẻ của chị Hà với đồng nghiệp trong khối các bảo tàng và di tích đã góp phần nâng cao kỹ năng, phương pháp kết nối tổ chức các chương trình giáo dục lịch sử. Cũng từ đó đã lan tỏa tinh thần, nhiệt huyết và tình yêu nghề trong mỗi cán bộ làm công tác giáo dục di sản lịch sử văn hóa.
Các chương trình giáo dục di sản lịch sử văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, phát huy giá trị di sản lịch sử văn hóa, không chỉ đối với các bạn nhỏ đang sinh sống ở Hà Nội mà trong cả nước cũng như những bạn nhỏ đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.
Từ năm 2020 - 2022,chị Nguyễn Thị Hà đã cùng với các đồng nghiệp trong khối các bảo tàng và di tích tổ chức 900 chương trình giáo dục lịch sử online cho khoảng 25.000 học sinh trong nước và học sinh đang sinh sống ở nước ngoài.
Ngoài ra, chị Hà cũng đã xây dựng và kết nối với các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội, tổ chức hơn 300 chương trình giáo dục di sản lịch sử văn hóa cho khoảng 21.000 học sinh tham quan học tập tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các bảo tàng và các di tích trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như các tỉnh, thành lân cận.
Đặc biệt, phải kể đến 50 chương trình giáo dục di sản lịch sử văn hóa cho các học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Chương trình mang đậm tính nhân văn, thông qua các bài giảng giúp các học sinh khiếm thị hiểu hơn và yêu hơn lịch sử nước nhà, giúp các em hòa nhập hơn với xã hội thông qua các hoạt động trải nghiệm tại các điểm bảo tàng và di tích.
Các chương trình giáo dục di sản lịch sử văn hóa luôn nhận được những ý kiến phản hồi tích cực từ phía học sinh, giáo viên cũng như phụ huynh ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Đây chính là động lực không nhỏ góp phần thúc đẩy sự đam mê và nhiệt huyết đối với chị Hà, ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm công việc của mình.
Với lòng nhiệt huyết và sự tận tụy trong công tác giáo dục di sản, chị Nguyễn Thị Hà đã trở thành một tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc. Những đóng góp cụ thể không chỉ làm giàu thêm kho tàng giáo dục di sản mà còn góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc đến mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Đó cũng là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong hành trình giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống, góp phần làm đẹp thêm diện mạo văn hóa Việt Nam trong lòng công chúng.
(Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)