Đào tạo văn hóa nghệ thuật:

Giải “bài toán” nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa

TRUNG NGHĨA

VHO - Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và xu hướng tiêu dùng hiện nay, việc đào tạo đội ngũ những người làm văn hóa nghệ thuật có kiến thức chuyên môn, am hiểu xu hướng sáng tạo mới là vấn đề cấp thiết…

Giải “bài toán” nhân lực phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 1

 Nhiều khó khăn, thách thức

Hiện nay, cả nước có 54 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và nhiều cơ sở có khoa đào tạo về lĩnh vực này. Với gần 200 chuyên ngành, tất cả đều đang từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tiến bộ, đáp ứng, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động đào tạo cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là ở các địa phương. Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay” diễn ra mới đây tại Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Mãi chia sẻ: Trong bối cảnh chung của khối các trường văn hóa nghệ thuật, công tác tuyển sinh trong các năm học vừa qua gặp nhiều khó khăn, số lượng thí sinh đăng ký theo học chuyên ngành nghệ thuật hạn chế nên trường không thể đảm bảo chỉ tiêu được giao.

Thế mạnh của nhà trường là đào tạo những ngành như: Nghệ thuật biểu diễn Ca kịch Huế, Nhạc công truyền thống Huế, Nghệ thuật biểu diễn Tuồng, Nghệ thuật biểu diễn Múa dân gian dân tộc… “Tuy nhiên, thí sinh đăng ký tuyển sinh ngày càng giảm, thậm chí ngành Nghệ thuật biểu diễn Tuồng hơn 10 năm nay không có thí sinh dự thi. Đây là những ngành nghề cần được duy trì để bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc nên nhà trường vẫn phải tiếp tục đăng tuyển hằng năm”, ông Nguyễn Văn Mãi cho biết.

Đó cũng là khó khăn chung của các trường cao đẳng, trung cấp văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc. Theo ThS Nguyễn Tuyết Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, công tác tuyển sinh ngày càng khó do phải cạnh tranh với các trường đại học, học viện nghệ thuật, các trung tâm đào tạo mở theo xu hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc hướng nghiệp cho người học cũng không dễ dàng, bởi các ngành nghệ thuật thường khó tìm việc ổn định, chủ yếu hoạt động tự phát theo nhu cầu của thị trường. Do vậy, ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh của nhà trường.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh Hồ Ngọc Minh cũng nhận định: Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, đa số thực tế hoạt động đào tạo văn hóa nghệthuật chưa bước kịp với tiến độxãhội. Thách thức lớn của các đơn


vị là chương trình chưa cập nhật, chưa đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và xu hướng tiêu dùng; thiếu giảng viên chuyên môn cao, tâm huyết, giàu kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa nghệthuật và truyền thông mới; đồng thời, chính sách đãi ngộ dành cho giảng viên, nghệ sĩ và nghệ nhân cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài...

Bên cạnh đó, việc đầu tư các trang thiết bịhiện đại như studio, phần mềm quản lý, đào tạo, mô phỏng còn rất hạn chế; chưa đủ điều kiện hạ tầng về kỹ thuật, nền tảng số để kết nối, liên thông nội tại, liên kết quốc tế và liên kết với thịtrường; đa số còn thiếu sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, nếu có thì cũng không hiệu quả, từ đó dẫn đến chương trình học không sát với nhu cầu thực tế…

Phát huy thế mạnh đáp ứng nhu cầu nhân lực

Hiện Việt Nam đang phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là xây dựng công nghiệp văn hóa thành một phần quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp vào GDP, tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm văn hóa, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là cơ hội cho các trường văn hóa nghệ thuật tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh: Trường hướng đến các giải pháp cụ thể để chuẩn bịnguồn nhân lực phục vụ đề án công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể, phát huy thế mạnh đào tạo đa ngành trong các lĩnh vực nghệ thuật với chương trình đa dạng: Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ thuật và Văn hóa Du lịch… từ đó phát huy thế mạnh chuyên môn hóa, giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực hành chuyên sâu trong từng lĩnh vực, đồng thời giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống. Chú trọng giảng dạy kết hợp giữa khai thác các giá trịtruyền thống với xu hướng hiện đại, giúp sinh viên có nền tảng vững chắc nhưng vẫn nhạy bén với những xu hướng toàn cầu .

Bên cạnh đó, có chính sách thu hút đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và nghệ nhân tham gia giảng dạy bằng tự chủ toàn phần để cởi nút thắt về cơ chế, giúp sinh viên học tập thông qua kinh nghiệm thực tiễn. Điều này đặc biệt quan trọng với các ngành khó như Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh…

ThS Phan Thái Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng cho biết: Trường tập trung cơ cấu lại ngành nghề để đảm bảo tính cân đối; xác định rõ nhóm ngành nghề, trình độ đào tạo chuyên sâu theo hướng hàn lâm hoặc giữ gìn bản sắc, thương hiệu; đào tạo theo hướng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu nhân lực phục vụ công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; thực hiện mô hình giáo dục mở, tránh đóng khung… Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các đề án, dự án, chương trình phát triển nhằm tham gia trực tiếp chuỗi cung ứng các dịch vụ văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng, góp phần tạo sân chơi để người dạy, người học thực hành, thực nghiệp, nâng cao chất lượng dạy - học…

Thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất, đổi mới, cập nhật giáo trình và mở rộng hợp tác quốc tế… từ đó tạo nền tảng quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công nghiệp văn hóa. Một số chuyên gia cũng đề xuất, cần có cơ chế, chính sách để đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các trường văn hóa nghệ thuật được tiếp cận doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển bền vững. n

 Đào tạo nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Ảnh: N.THIỆN