Festival Huế - “cầu nối” gắn kết các nền văn hóa và hợp tác quốc tế
VHO - Trải qua 13 kỳ tổ chức, Festival Huế là sự kiện giao lưu văn hóa mang tầm quốc tế, được các đoàn nghệ thuật và đối tác trên thế giới quan tâm. Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong dòng chảy đương đại, Festival Huế cũng đã mở ra nhiều cơ hội sáng tạo nghệ thuật để gắn kết các nền văn hóa trên thế giới.
Khởi nguồn từ Festival Huế 2000 với sự phối hợp tổ chức giữa Thừa Thiên Huế và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, những kỳ Festival sau đó được tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức một cách bài bản, quy mô và chất lượng hơn. Festival Huế được tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào các năm chẵn; từ năm 2022, sự kiện được tổ chức hàng năm với định hướng Festival bốn mùa.
Sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế tại các kỳ Festival Huế cũng như lượng du khách đến với chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ lễ hội này đã góp phần mở rộng giao lưu văn hóa với phát triển kinh tế du lịch. Năm 2000, các sự kiện, hoạt động của Festival Huế kéo dài trong 12 ngày đêm, với sự tham gia của 30 đơn vị nghệ thuật trong nước và Pháp, đã thu hút 410.000 lượt người tham dự; trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế...
Sự kiện được đánh giá là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, được xem là đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa; phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực văn hóa - du lịch.
Các kỳ Festival Huế sau đó với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, nhiều nước trên thế giới cử các đoàn nghệ thuật đặc trưng của nước mình đến tham gia, như: Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Nga, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Argentina, Đức, Canada, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Lào, Na Uy… Qua đó, đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu và hợp tác, thúc đẩy sự phát triển chung về văn hóa và ngoại giao.
Định vị “thương hiệu” của Festival Huế, từ năm 2022, Festival Huế đã được tổ chức theo hình thức bốn mùa, với chuỗi các sự kiện văn hóa nghệ thuật, hoạt động lễ hội diễn ra quanh năm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các đơn vị quốc tế. Thay vì tập trung phô diễn đặc trưng văn hóa của Cố đô Huế và các chương trình trình diễn, giao lưu của các đối tác quốc tế trong một kỳ Festival ngắn ngày; thì nay, Thừa Thiên Huế tổ chức sắp xếp các chương trình trải dài trong năm và điểm nhấn là tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế.
Những đơn vị nghệ thuật của các quốc gia không sắp xếp tham gia được tuần lễ, có thể lựa chọn những mốc thời gian khác quanh năm để trình diễn, giao lưu, quảng bá văn hóa tại Festival mùa Xuân, Festival mùa hạ, Festival mùa thu, Festival mùa đông. Cùng với đó, lượng du khách đến Huế cũng tăng đều qua các năm, dự kiến năm 2024 Thừa Thiên Huế đón khoảng 4 triệu lượt khách.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, đánh giá: Trải qua 24 năm kể từ lần đầu được tổ chức, Festival Huế thể hiện ngày càng đẹp, thấm đượm những đặc trưng văn hóa sâu lắng của dân tộc, sự lãng mạn, duyên dáng, trầm sâu của Huế và mang thêm nhiều nét hiện đại. Festival Huế cũng ngày càng tính quốc tế, là nơi nhiều dân tộc trên thế giới trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình.
“Festival Huế nhờ vậy góp phần vào thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội; vừa góp phần thể hiện sinh động đất nước Việt Nam có truyền thống văn hoá, trọng văn hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần thúc đẩy hòa bình hữu nghị và hợp tác” - ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Trong Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 vừa qua, nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật của các nước quốc tế cũng đã chia sẻ những trải nghiệm thú vị khi tham gia trình diễn và giao lưu văn hóa tại Cố đô Huế. Đồng thời, mong muốn sẽ tiếp tục trở lại Huế trong các dịp khác, không chỉ là Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế mà còn ở các sự kiện văn hóa của địa phương tổ chức.
Ông Moussa Diarra - Phó Thị trưởng Thành phố Cergy, CH Pháp chia sẻ rằng: Đây là lần thứ 3, chúng tôi đến với Festival Huế và ở đây chúng tôi đã tiếp nhận và học hỏi được nhiều thứ. Chúng tôi hy vọng sẽ quay trở lại với Festival Huế những kỳ tiếp theo hoặc tham gia các hoạt động văn hóa tại Huế.
Những nghệ sĩ đến từ Thành phố Cergy cũng đã có những trải nghiệm thú vị trong các hoạt động biểu diễn đường phố, biểu diễn ở các không gian cộng đồng. Đặc biệt, 4 thành viên của nhóm nhảy Hiphop Cergy còn tham gia hoạt động giao lưu và biểu diễn tại chợ Đông Ba - một ngôi chợ nổi tiếng xứ Huế. Ngoài ra, đoàn nghệ thuật của Thành phố Cergy và Thành phố Huế đã có các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật với chủ đề “Từ truyền thống đến hiện đại”.
Lần thứ 5 đến với Festival Huế, đoàn cà kheo De Koninklijke Steltenlopers Merchtem (Vương quốc Bỉ) tiếp tục mang đến những màn trình diễn ấn tượng và hoạt động giao lưu với cộng đồng. Nghệ sĩ Janick Appelmens, 51 tuổi, thông tin: 47 thành viên của đoàn cà kheo Hoàng gia vùng Merchtem với những độ tuổi khác nhau, có trẻ con, phụ nữ, người lớn trên 60 tuổi. Họ có những công việc, học tập, có điều kiện khác nhau nhưng khi chuẩn bị đến Festival Huế, mọi người đã tạm dừng công việc để mong muốn đưa nét văn hóa vùng Merchtem đến với Huế và cộng đồng các nước.
“Chúng tôi trình diễn đi cà kheo cao từ 1m đến 4m, cùng với đó là biểu diễn âm nhạc, trống, kèn trumpet, saxophone... Khuấy động lễ hội đường phố và giao lưu với bạn bè quốc tế, với người dân Huế”- nghệ sĩ Janick Appelmens chia sẻ.
Chỉ tính trong Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 vừa qua, đã có 30 đoàn nghệ thuật của các nước Pháp, Vương quốc Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam tham gia biểu diễn với hàng chục các chương trình lễ hội, hoạt động biểu diễn nghệ, giao lưu văn hóa nghệ thuật sôi động. Qua đó, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội giao lưu và hội nhập quốc tế, thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác...