Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp văn hoá:

Động lực thúc đẩy sáng tạo

ĐÌNH TOÁN

VHO - Ngày 24.10 tại TP Hải Phòng, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), công nghiệp sáng tạo và vai trò của bảo hộ bản quyền tác giả trong phát triển một số lĩnh vực CNVH…

Động lực thúc đẩy sáng tạo - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phòng chủ trì Hội thảo; đồng chủ trì có Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan… cùng tham dự.

Bảo hộ bản quyền để thu hút đầu tư phát triển CNVH

Hội thảo được tổ chức với mục đích tuyên truyền, phổ biến tổng quan các quy định mới về quyền tác giả, quyền liên quan; tiếp tục thực hiện Quyết định số 1755/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, thảo luận và lấy ý kiến về vai trò của bảo hộ bản quyền tác giả trong phát triển một số lĩnh vực CNVH như Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh…; tập trung trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 21/2015/ NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Tại Lễ khai mạc, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn trăn trở, nỗ lực phát triển cơ chế, chính sách để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ công chúng. Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ra đời đã góp phần khích lệ, động viên đời sống văn nghệ sĩ.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, phát triển các ngành CNVH là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hiện tại, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, nhằm thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ về phát triển các ngành CNVH, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong thời gian qua.

Gần đây nhất, chương trình xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ được tổ chức thành công đã giúp các nhà làm phim quốc tế có cái nhìn rõ nét về tiềm năng phát triển điện ảnh của Việt Nam, đặc biệt là thế mạnh về trường quay tự nhiên. Cùng với đó, tiềm năng về phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa của Việt Nam, cũng được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.

Thứ trưởng cho biết thêm, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển CNVH là phải có chính sách chi trả thù lao, nhuận bút hợp lý cho văn nghệ sĩ, người sáng tạo. Việc chi trả phù hợp với ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo khích lệ sự sáng tạo. Cùng với đó, vấn đề bảo hộ quyền tác giả trong phát triển CNVH cũng cần được chú trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Các nhà đầu tư sẽ chỉ đầu tư vào phát triển các ngành CNVH khi thấy những quy định về bảo hộ bản quyền được thực thi nghiêm túc. Do đó, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và các chính sách trong lĩnh vực này.

Động lực thúc đẩy sáng tạo - ảnh 2
Toàn cảnh Hộithaỏ

Cần bổ sung nhiều chức danh trong chi trả thù lao, nhuận bút

Có thể nói, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ quyền tác giả nói riêng được coi là động lực phát triển các ngành CNVH, công nghiệp sáng tạo ở mỗi quốc gia. Việc bảo hộ quyền tác giả trong phát triển CNVH sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, qua đó khuyến khích sáng tạo. Khi tác giả và nhà sản xuất được bảo vệ quyền lợi, họ sẽ có động lực để sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới, chất lượng cao. Điều này sẽ giúp mang lại nhiều sản phẩm văn hóa chất lượng cho công chúng.

Vấn đề chi trả nhuận bút, thù lao cho các tác phẩm, nghĩa vụ chi trả cho sáng tạo được khẳng định không chỉ để tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức, cá nhân đã lao động, cống hiến, đóng góp lợi ích cho cộng đồng mà còn khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị của văn học, nghệ thuật phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định, sau gần 10 năm thực hiện Nghị định 21/2015/NĐ-CP, bên cạnh những mặt tích cực, việc chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đang gặp phải một số hạn chế xuất phát từ thực tiễn. Nêu ví dụ cụ thể, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) cho biết, trong quá trình sản xuất phim hiện nay, bên cạnh các chức danh được nêu trong Nghị định thì “biên tập phim” cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đây là đối tượng tham gia từ giai đoạn tiền kỳ đến hậu kỳ và chỉnh sửa sản phẩm theo đúng yêu cầu của đạo diễn. Thế nhưng, chức danh này không được nêu trong Nghị định nên không có căn cứ để chi trả nhuận bút, thù lao, gây thiệt thòi cho đối tượng này.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP Phim truyện I cho hay, hiện Nghị định không có quy định về nhuận bút, thù lao cho chức danh họa sĩ phục trang trong lĩnh vực điện ảnh. Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với những phim đề tài lịch sử, chiến tranh, dân tộc. Cùng với đó, Nghị định cũng chưa có quy định về tiền nhuận bút cho chức danh biên tập và quỹ đầu tư kịch bản nằm trong quỹ nhuận bút. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, câu chuyện “khuyết” chức danh cũng khiến việc chi trả thù lao, nhuận bút trở nên khó khăn đối với một số vị trí. Ngoài ra, xuất hiện thực trạng tỷ lệ được hưởng giữa các chức danh chưa thật sự thỏa đáng.

Do đó, phần đông ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/ NĐ-CP, cần thiết mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh các chức danh. Đồng thời, điều chỉnh tỷ lệ hưởng của một số chức danh nhằm phù hợp với vị trí đảm nhiệm cũng như công sức bỏ ra trong sáng tạo tác phẩm. 

Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan

Hôm nay 25.10, tại TP Hải Phòng, Cục Bản quyền tác giả tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là dịp để các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tiếp nhận những nội dung như tổng quan về hệ thống pháp luật quản lý - thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành CNVH; quản lý khai thác quyền tác giả, quyền liên quan; thực thi, xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển CNVH trong giai đoạn mới…

Thông qua Hội nghị, các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan được tiếp nhận các quy định pháp luật mới về quyền tác giả, quyền liên quan; trao đổi, thảo luận, góp ý cho việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Đồng thời, cùng tìm ra giải pháp thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành CNVH.

NAM ANH