Điều đặc biệt ở Tết Lùng Cùng
VHO - Sau Tết Nguyên Đán, nhân dân Lương Kiệt (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) gồm ba làng Tâm, Tiền, Thượng còn có những Tết quan trọng khác như: Lùng Cùng, Trung Nguyên, Trung Thu. Những Tết này, sự chuẩn bị nhộn nhịp cũng vui như Tết Nguyên đán.

Nếu Tết Trung Nguyên thờ cúng bằng Bún, Tết Trung Thu bằng bánh Đúc, thì Tết Lùng Cùng thờ cúng chủ yếu bằng Bánh khúc.
Truyền thống giàu tính nhân văn này có từ xa xưa. Nhân dân Lương Kiệt ăn Tết Lùng Cùng vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm.
Đến nay, vẫn chưa có câu trả lời vì sao có Tết Lùng Cùng? Ngày Tết này có từ bao giờ? Và đặc biệt là cái tên Lùng Cùng có từ đâu?
Một câu chuyện dân gian lâu đời truyền lại: Có ông Tướng quê ở Lương Kiệt, chỉ huy quân đội dẹp giặc ở vùng biên giới xa xôi. Giặc tan, ông được về thăm quê vào những ngày cuối tháng Giêng. Nhân dân Lương Kiệt mở hội đón chào. Lễ hội diễn ra vào ngày 30 tháng Giêng, tên là Lùng Cùng.

Ngày ấy, vui sướng tự hào, nhà nhà làm cỗ, nhà nhà làm bánh Khúc cúng gia tiên, ăn mừng. Mâm cỗ dù to đến mấy, thiếu bánh khúc chưa phải là cỗ Tết Lùng Cùng.
Làm Bánh khúc không khó, nhưng có nhiều công đoạn. Nguyên liệu chủ yếu gồm gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, thịt lợn, hành, hạt tiêu và đặc biệt là rau khúc.
Gạo nếp, gạo tẻ được xay, hoặc nghiền thành bột, trộn với nhau với tỷ lệ 2 nếp, 1 tẻ, cho rau khúc đã được giã nhỏ, pha nước vào bột, nhào nặn thành sọ bánh. Nếu sọ chỉ có bột nếp, bánh sẽ bị rề.
Bên trong sọ bánh là nhân. Nhân gồm đậu xanh xay thành mảnh, đồ lên, cộng với thịt lợn (nửa nạc, nửa mỡ) đã được phi hành, gia vị hạt tiêu. Ngoài sọ bánh là gạo nếp (đã được ngâm nước), làm gạo áo.
Có hai cách đưa sọ bánh và gạo áo vào chõ để đồ bánh. Một là cho vỉ đan bằng tre mỏng vào đáy chõ. Một lớp là chuối xé nhỏ lót trên vỉ, rải gạo áo (vừa đủ) đặt sọ bánh rải gạo áo phủ lên. Sau đó lại đặt sọ bánh, phủ gạo áo. Tiếp tục làm như thế đến khi đầy chõ, đồ bánh. Bánh này gọi là Bánh Khúc xôi.
Hai là Bánh Khúc gói lá (lá chuối hoặc lá giong): Gạo rải lên lá cho sọ bánh vào, phủ lớp gạo áo lên trên, gói lại, buộc dây cho khỏi xọc xệch, xếp vào chõ. Công việc cuối cùng là đồ bánh.
Bánh có rau khúc, đồ lên tới độ chín, có mùi thơm, ngon đặc biệt, quyến rũ.

Tới nay, qua nhiều thế kỷ, tết Lùng Cùng ở ba làng Tâm, Tiền, Thượng vẫn được duy trì. Ngày tết Lùng Cùng rất vui. Nhà nhà chuẩn bị, nhộn nhịp con cháu, anh em họ hàng từ xa trở về. Làng Thượng có gia đình dùng tới hai, ba yến gạo nếp, tẻ để làm bánh.
Bởi lẽ, nói một cách vui vui: “Bánh Khúc không cánh mà bay”, không những gia đình dùng, con cháu dùng, mà bánh còn “bay” theo con cháu để khao bạn bè nơi làm việc ở tít tận Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng...
Tuy nhiên, vẫn có những cách viết chưa chính xác về cái Tết đặc biệt này. Ở cuốn Lịch Sử Đảng Bộ - Nhân dân xã Liên Minh, do Bùi Văn Tam và Bùi Hữu Bính biên soạn, viết về Tết Lùng Cùng ở Lương Kiệt (trang 52) nhưng sa vào tưởng tượng, xa rời thực tế, suy diễn tùy tiện.
Cần khẳng định rằng, ở Lương Kiệt, Liên Minh không có khái niệm Tết Mùng Cùng, Trung Hòa. Mùng Cùng, Trung Hòa là hai cái tên hư cấu, xa lạ với người Lương Kiệt.

Tết Trung Hòa sao lại gọi là Tết Hòa Bình của vua Quang Trung? Hai soạn giả suy diễn tưởng tượng: “Trong chiến trận, nghĩa quân Tây Sơn thường lấy rau khúc để làm bánh”. Thiết nghĩ, nghĩa quân Tây Sơn thần tốc hành quân từ Phú Xuân ra Bắc, mong sao vàoThăng Long càng sớm, càng tốt để diệt giặc Thanh, làm gì có thời gian để “thường xuyên làm bánh khúc”?
Như trên đã nói, làm bánh khúc phải qua nhiều công đoạn, trên đường hành quân, lấy đâu ra nguyên liệu, nồi, chõ để làm? Cũng khiên cưỡng khi viết: “lá khúc trộn với bột nếp nặn hình voi, ngựa để đồ xôi”. Nặn thành hình voi ngựa đồ xôi sẽ ra loại bánh gì?
Trang 52 còn dẫn bài thơ thất ngôn, bát cú về tết Trung Hòa. Bài thơ, không có câu chữ nào ca ngợi Tết Hòa Bình của vua Quang Trung, ngược lại, có phần trào phúng về cái Tết này:
“Vừa xong Chính đán đến Trung Hòa”
Ngày trước khen ai khéo đặt ra”
Viết như thế nghĩa là Tết không dính dáng đến một sự kiện nào, chỉ do ai đó đặt ra. Những điều không đúng sự thật làm giảm đi truyền thống văn hóa tốt đẹp, có một không hai ở vùng Lương Kiệt, Liên Minh, Vụ Bản.