Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
VHO- Nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chữa cháy, dập tắt và xử lý kịp thời các sự cố cháy nổ có thể xảy ra tại khu vực Lam Kinh và đảm bảo an ninh trật tự, vừa qua tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), Ban quản lý khu di tích Lam Kinh đã phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an tỉnh Thanh Hóa, Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân, UBND xã Kiên Thọ, Thị Trấn Lam Sơn và các hộ kinh doanh trong khu vực quy hoạch của khu di tích tổ chức huấn luyện, kiểm tra nghiệp vụ PCCC.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam kinh nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có diện tích 200ha, trong đó có 100 ha rừng đặc dụng. Để đảm bảo tính mạng và tài sản cho du khách thập phương về với cội nguồn, trong những năm qua, ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã tăng cường nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng, tích cực phối hợp với các lực lượng tại chỗ bảo vệ rừng.
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Lam Kinh cho biết, thông qua buổi diễn tập nhằm nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết về công tác PCCC; khả năng sẵn sàng chữa cháy, dập tắt và xử lý kịp thời các sự cố cháy nổ có thể xảy ra tại khu vực Lam Kinh và đảm bảo an ninh trật tự.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách khi về tham quan Lam Kinh và phòng chống cháy rừng, ông Sỹ cho biết thêm, trong những năm qua, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân và du khách, đồng thời tập trung xây dựng một đội ngũ PCCC tại chỗ để tham gia PCCC khi có sự cố xảy ra; trang bị thêm các phương tiện báo động, phương tiện chữa cháy tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng; chủ động xây dựng các phương án PCCC gốc, trong đó tập trung vào công tác phối kết hợp với các lực lượng như công an, kiểm lâm, y tế, các địa phương và nhân dân để tham gia PCCC hiệu quả, nhất là trong dịp lễ hội Lam kinh.
Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, Khu di tích Lam kinh đã và đang là điểm đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
NGUYỄN LINH