Để văn hóa vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Bước vào kỷ nguyên mới, với vị thế và vai trò quan trọng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chuẩn bị một hành trang vững vàng cùng tâm thế sẵn sàng để đồng hành với sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.

 Để văn hóa vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 1
Đúng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11.2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

 Thêm sức bật mới

Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong gần nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng: Toàn ngành sẽ có một tâm thế tự tin để bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh: Chưa bao giờ văn hóa nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương như hiện nay. Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến Hội nghị về thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa tại Bắc Ninh, và gần đây nhất là Hội thảo Văn hóa năm 2024 tại Quảng Ninh, với mục tiêu tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách và nguồn lực cho các thiết chế văn hóa, thể thao; đặc biệt, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và địa phương…, tất cả đều khẳng định sự chú trọng toàn diện đối với lĩnh vực Văn hóa.

Ngay từ đầu năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về định hướng phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhiều quyết định quan trọng, bao gồm: Quyết định số 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, ngày 23.11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự kiến sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa vào hôm nay 27.11. Những sự kiện quan trọng này đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong việc định hướng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước nhà.

Như vậy, trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp tục tham mưu đúng trọng tâm và trúng vấn đề, góp phần tháo gỡ hiệu quả các “điểm nghẽn của điểm nghẽn” về thể chế. Qua đó, sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch được khơi thông mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc và sức bật mới, đồng hành cùng cả nước chung sức, đồng lòng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Để văn hóa vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 2
Với sản phẩm du lịch độc đáo, Danh thắng Tràng An luôn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế

Những điểm nhấn đáng tự hào

Báo cáo của Chính phủ được Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khẳng định các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được nhiều kết quả cụ thể và rõ nét. Văn hóa không chỉ hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống mà còn được xác định là nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời giữ vai trò điều tiết và định hướng sự phát triển của xã hội.

Một trong những chuyển biến đáng chú ý nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa”. Sự chuyển biến từ tư duy sang nhận thức và hành động đã mang lại những thành quả ngọt ngào, thể hiện qua những kết quả cụ thể và ý nghĩa.

Điểm sáng nổi bật trong lĩnh vực Văn hóa thời gian qua chính là sự khởi sắc trong việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở. Đời sống văn hóa tại các khu dân cư ngày càng được chú trọng, góp phần bồi đắp tâm hồn và nuôi dưỡng nhân cách cho người dân trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, nhiều làng quê đáng sống đã hình thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Những thành tựu này không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn của môi trường văn hóa mà còn minh chứng cho định hướng đúng đắn mà ngành Văn hóa đã kiên định thực hiện, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Kết quả đạt được trong việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở đã khẳng định thành công bước đầu của quá trình chuyển biến tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sự thay đổi về nhận thức đã được cụ thể hóa bằng hành động, không chỉ trong nhiều lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà còn lan tỏa sâu rộng đến các Bộ, ngành và địa phương.

Từ sự chuyển biến tích cực này, nguồn lực đầu tư cho văn hóa trong năm 2022 và 2023 tại các địa phương đã có những bước tiến đáng khích lệ. Dự toán ngân sách giai đoạn 2022-2023 của nhiều tỉnh, thành phố đã phân bổ ngân sách cho lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Đây là một dấu hiệu tích cực, phản ánh rõ nét sự quan tâm ngày càng lớn đối với văn hóa, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới.

Năm 2024, lĩnh vực Du lịch đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong mùa du lịch cao điểm.

Kết quả ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2024 là tổng lượng khách quốc tế đạt 12.705.316 lượt, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, lượng khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 95,5 triệu lượt, phản ánh sức hút ngày càng lớn của ngành Du lịch Việt Nam. Tổng thu từ khách du lịch trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 637,7 nghìn tỉ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và khẳng định vị thế của du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Thể thao thành tích cao tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, trong khi các hoạt động thể thao phong trào và thể thao quần chúng được phát triển đồng bộ, sâu rộng, đặc biệt thông qua các sự kiện ý nghĩa như “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Đồng thời, Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được tổ chức, tạo nền tảng để các địa phương trên cả nước đồng loạt triển khai thực hiện chiến lược này.

Với những kết quả nổi bật và đáng tự hào, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể tự tin, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức, khẳng định vai trò tiên phong trong sự nghiệp phát triển đất nước.

 Để văn hóa vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ảnh 3
NNƯT Y Sinh truyền dạy cách chơi đàn Klông pút, nhạc cụ truyền thống, độc đáo của đồng bào dân tộc Xơ Đăng cho thế hệ trẻ

Tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Vậy, để vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần làm gì? Ở lĩnh vực Văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn “vươn mình” mạnh mẽ để hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, việc xây dựng một nền văn hóa mới không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn mang ý nghĩa chiến lược để bước vào kỷ nguyên phát triển. Không chỉ kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống mà còn phải khẳng định sự sáng tạo, đổi mới và khả năng thích ứng linh hoạt trước những biến đổi nhanh chóng của thời đại. Đây sẽ là một nền văn hóa mở, đa dạng, mang trong mình sức mạnh giao thoa và hòa quyện giữa các giá trị dân tộc với tinh hoa thế giới, đồng thời khẳng định rõ bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc xây dựng nền văn hóa mới cần bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, từ đó thúc đẩy những hành động thiết thực nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Một yếu tố cốt lõi trong quá trình này là phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống, không chỉ bao gồm các giá trị vật thể như công trình kiến trúc, di tích lịch sử mà còn bao hàm phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật dân gian và tri thức bản địa - những tinh hoa làm nên bản sắc độc đáo của dân tộc.

Bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ, nền văn hóa mới cần được nuôi dưỡng thông qua sự giao thoa và hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam hay đưa các sản phẩm văn hóa Việt Nam ra nước ngoài không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu văn hóa quốc gia mà còn tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong các lĩnh vực Văn hóa, nghệ thuật. Đây là con đường tất yếu để văn hóa Việt Nam vừa khẳng định bản sắc riêng vừa sẵn sàng hội nhập, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, trong kỷ nguyên vươn mình, nền văn hóa mới cần hướng tới việc xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bền vững, tiếp nối những thành tựu mà ngành Văn hóa đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa cũng đóng vai trò then chốt. Các lĩnh vực như Điện ảnh, Âm nhạc, Nghệ thuật thị giác, Truyền thông và Xuất bản cần được quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ, nhằm khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

“Nền văn hóa mới không chỉ dừng lại ở sự phát triển của các sản phẩm văn hóa, mà còn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Đây chính là đích đến của mọi nỗ lực xây dựng nền văn hóa trong thời đại hiện nay, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của văn hóa trong việc phát triển con người và xã hội Việt Nam trong tương lai”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc - văn hóa cần tiếp tục khẳng định vai trò gắn kết và hiện diện sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong lĩnh vực Du lịch, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng mang đậm dấu ấn văn hóa, xây dựng môi trường du lịch văn hóa và khai thác sự đa dạng văn hóa vùng miền sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với hình ảnh đất nước của những nụ cười thân thiện, giàu bản sắc.

Trong lĩnh vực Thể thao, việc thúc đẩy nâng cao thể lực và tầm vóc của người Việt không chỉ góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp đất nước bước vào kỷ nguyên mới với một lực lượng khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng. Đồng thời, các yếu tố văn hóa trong thể thao sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Với nền tảng vững chắc từ những thành tựu đã đạt được, cùng sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sẵn sàng đón nhận những thời cơ và vượt qua mọi thách thức để tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong sự phát triển của đất nước.

 Nguồn lực đầu tư cho văn hóa trong giai đoạn 2022-2023 tại các địa phương đã có những thay đổi tích cực, thể hiện qua việc phân bổ ngân sách ngày càng được chú trọng. Dự toán ngân sách trong hai năm này của nhiều tỉnh, thành phố dành cho lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương, cho thấy sự quan tâm lớn hơn đối với văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh từ mức 150,782 tỉ đồng năm 2021 đã tăng lên 162,192 tỉ đồng năm 2022 và 181,929 tỉ đồng năm 2023, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 9-12% mỗi năm. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nguồn vốn đầu tư công ngân sách đạt 165,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh dành cho sự nghiệp văn hóa tăng từ 49,21 tỉ đồng năm 2021 lên 83,75 tỉ đồng năm 2022 và 144,4 tỉ đồng năm 2023, với mức tăng trưởng trung bình 67-74% mỗi năm.

Tỉnh Khánh Hòa cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, từ 402,933 tỉ đồng năm 2021 lên 463,111 tỉ đồng năm 2022 và 572,308 tỉ đồng năm 2023. Dự kiến, ngân sách dành cho văn hóa tại Khánh Hòa năm 2024 sẽ đạt 676,918 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 20-23% mỗi năm.

Những con số này phản ánh rõ nét sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các địa phương, tạo động lực lớn để ngành Văn hóa tiếp tục phát triển, khẳng định vai trò nền tảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước.