Tháo gỡ điểm nghẽn để di sản thành nguồn lực phát triển đất nước

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Các ý kiến góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào chiều 23.10 được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá là có trách nhiệm, sâu sắc, ngắn gọn, là cơ sở quan trọng để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật trước khi trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

 Tháo gỡ điểm nghẽn để di sản thành nguồn lực phát triển đất nước - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Phiên họp

 Đánh giá Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của nước ta, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) góp ý vào nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, về quy định liên quan đến di sản tư liệu, đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã đề cập tới di sản tư liệu như một phần quan trọng của di sản văn hóa tại khoản 5 Điều 3 nhưng chưa nhấn mạnh đến vai trò của di sản tư liệu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì vậy cần có một điều khoản riêng quy định về bảo vệ, lưu trữ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, đặc biệt là những di sản đã được UNESCO công nhận.

Cần thiết phải thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Góp ý cho dự thảo Luật, Thượng tọa Thích Đức Thiện (tỉnh Điện Biên) nhất trí với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và cho rằng cần thiết phải thành lập Quỹ. “Mặc dù có những ý kiến cho rằng đâu đó có những loại quỹ ngoài ngân sách nhà nước đã được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Có quỹ thành lập ra mà không huy động được nguồn lực xã hội đóng góp cho quỹ. Nhưng đối với lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa thì tôi có niềm tin là Quỹ bảo tồn di sản văn hóa được thành lập sẽ phát huy hiệu quả”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Thượng tọa nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã luôn chú trọng và có những chính sách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia đã phân bổ nguồn ngân sách cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp của các di tích. Các địa phương cũng đã dành nguồn lực của địa phương mình cho công tác phục hồi, tôn tạo các di tích nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. “Trải qua thời gian, hiện nay có rất nhiều di tích, di sản đang bị xuống cấp trầm trọng, đang bị mai một thất truyền ở các địa phương vì không có kinh phí tu bổ và duy trì. Một số di tích thực sự “kêu cứu” như di sản Phật viện Đồng Dương ở Quảng Nam. Vì thế Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ra đời là thực sự cần thiết để giải quyết các yêu cầu cấp bách, trong các trường hợp khẩn thiết như để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được hoặc trong các trường hợp như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước…”, đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Tán đồng với quan điểm nên thành lập Quỹ, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu dẫn chứng cụ thể khi ông tới thăm một dòng họ đang bảo quản 3 di sản đã được UNECO ghi danh tại làng Trường Lưu, thuộc huyện Can Lộc. Tuy nhiên do những điều kiện còn hạn chế của gia dình, dòng họ nên các di sản này đang đứng trước nguy cơ xuống cấp theo thời gian. Nếu việc này phải dùng tới ngân sách nhà nước thì sẽ rất khó khăn. Vì thế nếu có Quỹ thì sẽ bảo tồn được những di sản này.

 Tháo gỡ điểm nghẽn để di sản thành nguồn lực phát triển đất nước - ảnh 2
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa không sử dụng ngân sách nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu rõ, dự thảo Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, như: Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...

 Có ý kiến cho rằng, quy định về thanh tra di sản văn hóa đã được quy định tại Luật Thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan, do đó nếu quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến chồng chéo. Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng lĩnh vực quản lý nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Trên thực tế, một số vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa xảy ra nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn có hiện tượng bị mất di vật, cổ vật; di sản bị xâm hại, làm sai lệch; địa điểm khảo cổ không được bảo vệ; việc xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực di tích gây ảnh hưởng xấu đến yếu tố gốc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

(Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN ĐẮC VINH)

Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm: “Qua lắng nghe ý kiến của đại biểu thì đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất phương án có quỹ, vì quỹ này không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, thực ra đây là chúng ta tiếp nhận các nguồn tài trợ, các nguồn hiến tặng. Chúng ta sắp bàn bạc để thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với một lượng kinh phí chúng ta cho rằng là rất lớn nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu về phát triển văn hóa. Sự tham gia của xã hội là hết sức quan trọng và quỹ này chính là cơ chế để chúng ta tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp của xã hội.

Tại sao phải có quỹ này, vì di sản văn hóa là vấn đề rất đặc biệt, phải đặt dưới sự quản lý của nhà nước, mọi việc tổ chức và bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phải thực hiện rất chặt chẽ do các cơ quan nhà nước tiến hành giám sát, tổ chức thực hiện. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng cơ chế quỹ này sẽ giúp cho chúng ta huy động thêm các nguồn lực. Còn trong luật đã quy định là không nhất thiết địa phương nào cũng phải thành lập quỹ, tùy điều kiện, các địa phương thấy có điều kiện thì thành lập, còn các địa phương thấy không cần thì cũng không nhất thiết”.