Biến di sản thành tài sản, nguồn lực phát triển đất nước

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

VHO - Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong phiên họp của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vào chiều 23.10, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 7.

Biến di sản thành tài sản, nguồn lực phát triển đất nước - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Về phạm vi điều chỉnh, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến nhất trí bổ sung di sản tư liệu vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.

"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin tiếp thu, đã chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh, dạng số trên hiện vật mang thông tin dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng đĩa, dữ liệu điện tử..., được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.

Như vậy, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin, được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được; khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được. Vì vậy, tại dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này", ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết.

Về sở hữu di sản văn hóa (Điều 4), nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 6), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho hay, một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn các loại hình sở hữu di sản văn hóa; quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí công nhận và nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).

UBTVQH xin tiếp thu, đã chỉ đạo chỉnh lý, quy định cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật. Theo đó, việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng; việc xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, rà soát, quy định cụ thể, đầy đủ về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 6 dự thảo Luật.

Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá.

Biến di sản thành tài sản, nguồn lực phát triển đất nước - ảnh 2
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90).

Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể (Điều 14), báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định chính sách đối với nghệ nhân và chính sách đối với chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu bổ sung chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành, trao truyền và thực hành truyền dạy kỹ năng, kiến thức cho thế hệ kế cận, đặc biệt là các nghệ nhân, người thực hành tổ chức truyền dạy đối với di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

"UBTVQH xin tiếp thu và báo cáo như sau: Chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng trong sáng tạo, kế thừa, nắm giữ, tái tạo và trao truyền di sản văn hoá phi vật thể, do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này, đặc biệt đối với các nghệ nhân. UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, quy định các chính sách cho nghệ nhân, cho cộng đồng, cá nhân thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn về kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, không gian văn hoá liên quan... tại Điều 14 dự thảo Luật. Để chính sách phù hợp với từng đối tượng, chủ thể của di sản văn hoá phi vật thể, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết", ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin.

Về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 27), tiếp thu ý kiến đóng góp, dự thảo Luật đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II tại khoản 3 Điều 27; quy định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng không thể di dời, khu vực dân cư do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định theo cấp độ di tích.

Biến di sản thành tài sản, nguồn lực phát triển đất nước - ảnh 3
Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội cũng trình bày các nội dung tiếp thu, chỉnh lý về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích (Điều 28); Về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 29); Về thanh tra di sản văn hoá; Về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (Điều 98).

Trong đó về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa (Điều 92); Một số ý kiến nhất trí thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá nhằm hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; đề nghị cần xác định rõ cơ chế đặc thù cho việc quản lý tài chính của Quỹ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc không thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá.

  UBTVQH xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, như: bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước... Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

UBTVQH đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.

Việc sửa đổi Luật Di sản được chờ đợi là sẽ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước; Khắc phục những khó khăn, vướng mắc do luật hiện hành quy định; Giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên về việc bảo tồn các di sản văn hoá. Đồng thời biến di sản thành tài sản, là nguồn lực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế chung của đất nước.