Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6:

Thảo luận Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Theo chương trình dự kiến, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 28-29.8 tại Nhà Quốc hội. Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về 12 dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Thảo luận Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) - ảnh 1
Ngày 14.8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc, cầu thị tiếp thu, dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Dự kiến, chiều 28.8, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Sau đó cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra có thể báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên thảo luận.

Trước đó, ngày 14.8.2024, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về cơ bản, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có9 chương với 101 điều, giảm 01 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được. Việc tách di sản tư liệu như dự thảo Luật sẽ quy định cụ thể, đồng bộ hơn, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thảo luận và thống nhất: "Di sản địa chất" được điều chỉnh tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Địa chất khoáng sản (sửa đổi), không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Trường hợp khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù được công nhận là "danh lam thắng cảnh" theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 22 dự thảo Luật thì sẽ được điều chỉnh bởi dự thảo Luật này.

Về sở hữu di sản văn hóa, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng. Việc xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Liên quan tới chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động; biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; các điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực tài chính, xã hội hóa và các điều kiện khác; nguồn nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.

Đối với việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm kê di sản tư liệu, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất bỏ các quy định về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm kê định kỳ 5 năm một lần và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần; danh mục kiểm kê phải được kiểm kê, rà soát, cập nhật hằng năm.

Đối với quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, dự thảo Luật đã quy định cụ thể theo hướng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân không được chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho; di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước; bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước. Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Ngoài ra, liên quan tới Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất và đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật vì: Quỹ bảo tồn di sản văn hoá không sử dụng ngân sách nhà nước và Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Chính sách về Quỹ đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội. Hiện nay, một số Quỹ hoạt động không hiệu quả nhưng Quỹ này được thành lập nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá nhưng ngân sách Nhà nước tại một số địa phương chưa bảo đảm được, đặc biệt là di tích. Thực tế, mô hình Quỹ bảo tồn di sản văn hoá đã có thí điểm ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là mô hình mới, có cơ chế quản lý, vận động hỗ trợ bước đầu đạt hiệu quả nhất định

 Phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra sau kỳ họp thứ 7, đã nghiêm túc, cầu thị tiếp thu báo cáo dài tới 30 trang gồm 122 ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhận định, sau khi được chỉnh lý, tiếp thu, dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, đến nay không còn những ý kiến khác nhau.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực, chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý dự thảo luật, các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đầy đủ theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với phương châm bảo đảm những gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm đưa vào luật để luật ban hành có hiệu lực nhanh chóng đi vào cuộc sống; đồng thời yêu cầu hai cơ quan phối hợp hoàn thiện thêm để trình hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sẽ diễn ra vào cuối tháng 8, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.