Thường vụ Quốc hội góp ý cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Bộ VHTTDL đã rất cố gắng trong việc xây dựng dự án luật
VHO - Góp ý kiến cho dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 17.4, hầu hết các ý kiến đều ghi nhận, dự án Luật đã được soạn thảo công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Dự án Luật sẽ tạo bước thay đổi căn bản
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Di sản văn hóa ban hành lần đầu tiên cách đây 23 năm sau đó được sửa đổi, bổ sung nhưng cũng đã cách đây 15 năm. Do đó việc sửa đổi Luật lần này là phù hợp. Nội dung của dự thảo Luật đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và về di sản văn hóa nói riêng, dù mới lần đầu xin ý kiến Quốc hội nhưng dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới. Ông cũng kỳ vọng dự án Luật sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong việc quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cơ bản tán thành các nội dung thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp, góp ý về chính sách của nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển. Vì thế cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ đó cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa; một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền… Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu, cân nhắc xem có nên tách riêng một chương quy định về loại hình di sản tư liệu hay không.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính tương thích, đồng bộ dự thảo Luật này với các luật trong hệ thống pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
Bộ VHTTDL đã rất cố gắng trong việc xây dựng dự án luật
Góp ý kiến cho dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá: “Bộ VHTTDL đã rất cố gắng trong việc xây dựng dự án luật. Hồ sơ dự án luật đã cơ bản đảm bảo theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã được chuẩn bị tương đối công phu”. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, đại diện Ủy ban Pháp luật đề nghị cần rà soát thêm về tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật, đồng thời cần rà soát để khắc phục những vấn đề chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các luật khác.
Thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ và tương đối kỹ lưỡng. Trong hồ sơ dự án Luật, các chính sách mới đã được xem xét, đánh giá tương đối kỹ. Dự thảo Luật cũng đã có nhiều quy định mới về phân công, phân cấp, tổ chức thực hiện. Các quy định này có ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn lực, kinh phí thực hiện, cần xem xét kỹ tính khả thi để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, thống nhất giữa Luật Di sản với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29.3.2024 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. “Về hồ sơ dự án Luật, Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hồ sơ dự án Luật kèm theo 7 dự thảo Nghị định và 7 dự thảo Thông tư quy định chi tiết theo đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình tiếp thu, giải trình các nội dung, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy định chi tiết để các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đồng thời với Luật, bảo đảm chất lượng.
“Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, như Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chủ trương, đường lối tại các văn bản khác của Đảng. Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, cơ bản thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật”, ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng, tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học về các chính sách, nội dung của dự án luật, về cơ bản luật này đủ điều kiện trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Về việc rà soát để đảm bảo tính tương thích, Bộ VHTTDL đã rà soát 53 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có 32 luật, văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp có quy định liên quan đến di sản văn hóa; trong quá trình rà soát, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, cầu thị để tránh việc các quy định bị chồng chéo, giao thoa. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã kế thừa những quy định còn có tính ổn định, phát triển của luật hiện hành.
Về di sản tư liệu, đây là vấn đề mới, khi Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế, di sản tư liệu được UNESCO công nhận, xác định là một loại hình di sản độc lập với loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được thể hiện thông qua chương trình ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu được công bố năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002. Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình ký ức thế giới về di sản tư liệu của UNESCO và thống nhất, cam kết thực hiện. Theo UNESCO thì loại hình này không nằm trong di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Do đó, cần có quy định thành những điều, khoản riêng hoặc xây dựng một chương riêng về di sản tư liệu...
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xác định di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành nhưng tính liên ngành rộng, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành quản lý, do đó, hồ sơ dự án Luật đã được Bộ VHTTDL chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan dự thảo, tổ chức các hội thảo, xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các Bộ, ngành địa phương, làm việc với các Bộ quản lý nhà nước liên quan về các nội dung có tính chất đan xen giữa Luật Di sản văn hóa với các Luật, hoàn thiện hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp này, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thẩm định của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại phiên họp thẩm tra vào ngày 8.4, Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.
(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)