Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật
VHO - Hầu hết các ý kiến đóng góp tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 14.8 đều ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra sau kỳ họp thứ 7, đã nghiêm túc, cầu thị tiếp thu báo cáo dài tới 30 trang gồm 122 ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhận định, sau khi được chỉnh lý, tiếp thu, dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, đến nay không còn những ý kiến khác nhau.
Thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan
“Với 9 chương, 101 điều, tôi thấy ít có dự thảo luật nào mà chỉ sau một kỳ họp đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp cũng như hai cơ quan soạn thảo và thẩm tra lại đạt được sự đồng thuận cao như dự thảo luật này. Điều đó thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Sự phối hợp chặt chẽ này đã được thực hiện tốt từ khi hai bên phối hợp cùng các cơ quan hữu quan sửa đổi Luật Điện ảnh”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến tập trung vào 4 nhóm vấn đề. Một, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật. Hai, về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa. Ba, về khu vực bảo vệ của di tích, và thứ tư là việc phân cấp trong đầu tư xây dựng công trình, khu vực bảo vệ di tích. “Qua báo cáo tiếp thu dự thảo luật sau khi được chỉnh lý, tôi thấy vấn đề này đã được tiếp thu một cách rất nghiêm túc. Dự thảo luật đã được chỉnh lý thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan, nhất là quy định về di sản tư liệu. Vấn đề này nhiều đại biểu có ý kiến, chúng ta đã thể hiện tại khoản 5 Điều 3, từ Điều 53 đến Điều 63 Chương IV. Về quyền sở hữu và liên quan đến di sản văn hóa, đã làm rõ và thống nhất với Bộ luật Dân sự. Đồng thời, quy định rõ hơn việc giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa tại Điều 4 của dự thảo luật. Về khu vực bảo vệ di tích đã quy định chặt chẽ hơn trong bảo vệ, quản lý đối với những trường hợp có yếu tố gốc cấu thành di tích. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống trong khu vực bảo vệ di tích ở Điều 28, 29. Trong trường hợp sửa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ đã có sẵn trong khu bảo vệ di tích nhưng không thuộc yếu tố gốc và cấu thành cảnh quan, văn hóa di tích đã phân cấp cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là phù hợp.
Tôi cho rằng, phân cấp cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để xử lý, giải quyết những vấn đề này để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống trong các khu di tích”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và cũng đã góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo luật.
Đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Luật. Trong đó ông nhấn mạnh, trong chương VIII, quy định về quản lý nhà nước về di sản văn hóa, luật phải thể hiện rõ hơn nữa vai trò chủ trì của Bộ VHTTDL.
Đánh giá cao cơ quan soạn thảo là Bộ VHTTDL đã phối hợp với cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý 122 ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 7 về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần phải nghiên cứu, tính toán trong dự thảo luật này có nên bổ sung thêm các quy định về phát hiện, đánh giá, quản lý, bảo quản, giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai hay không.
“Tôi cho rằng ngoài việc bảo vệ, phát huy và phát triển giá trị các di sản văn hóa được ghi nhận, Nhà nước cũng cần phải chủ động nhận diện, bồi đắp, phát triển những di sản văn hóa có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai. Ví dụ như các tác phẩm điện ảnh, một số bộ phim nhựa chúng ta sản xuất trong những năm chiến tranh cũng như các di sản, di vật của lãnh tụ, của dòng họ... có thể sẽ trở thành di sản văn hóa trong tương lai. Để giữ gìn, bảo vệ, quản lý hiệu quả các di sản văn hóa tiềm năng này, dự thảo Luật Di sản văn hóa cũng cần nghiên cứu để có quy định về trách nhiệm phát hiện, xác định, lựa chọn các di sản tiềm năng, trên cơ sở đó các di sản văn hóa tiềm năng này sẽ được nghiên cứu, xem xét để bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của Nhà nước. Nhà nước có chính sách cũng như có trách nhiệm hỗ trợ để phát hiện, bảo tồn, sử dụng các di sản văn hóa này. Nếu chúng ta không phát hiện sớm, không có đánh giá, không nghiên cứu để có hội đồng thẩm định việc này thì theo thời gian nó sẽ mất đi, muốn khôi phục hoặc muốn bảo tồn sẽ không có”, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ông cũng góp ý cụ thể vào các nội dung như cần rà soát các quy định về các trường hợp di sản văn hóa được xác lập sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng quy định cụ thể ở Điều 4 của dự thảo luật để đảm bảo thống nhất với quy định Bộ luật Dân sự và Luật Quản lý sử dụng tài sản công hay các quy định về chính sách ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản; Quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng những công trình trong phạm vi bảo vệ của di tích...
Bộ VHTTDL rất tôn trọng và rất cầu thị các ý kiến góp ý
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp. Bộ trưởng cho biết, các ý kiến đóng góp trong phiên họp này, đặc biệt là ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật.
Ban soạn thảo cũng sẽ rà soát lại một cách kỹ lưỡng để đưa vào những quy định phù hợp và loại bỏ những điều không phù hợp, cố gắng làm rõ những điều còn chưa rõ. Trong quá trình soạn thảo, dự án luật đã được rà soát kỹ lưỡng với các luật chuyên ngành khác và cũng đã được khu trú với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT... Dự thảo luật cũng được soạn thảo trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phân cấp, hạn chế cơ chế xin cho và đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng không chồng chéo giữa chức năng của thanh tra về di sản văn hóa được thành lập tại các địa phương và thanh tra Bộ VHTTDL. Để linh hoạt trong quản lý, dự thảo luật cũng đã có riêng một chương về bảo tàng, trong đó nêu rõ hệ thống bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập cùng những quy định cụ thể. Đồng thời cũng có những quy định để vừa bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản, vừa tạo điều kiện cho người dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới.
“Trong 122 ý kiến như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội thì không có một ý kiến nào không được nghiên cứu, chúng tôi đã cố gắng tiếp thu một cách tối đa, vì đây là trí tuệ của Quốc hội nên Bộ VHTTDL rất tôn trọng và rất cầu thị. Tất nhiên, có những vấn đề chỉ báo cáo giải trình lại, có những vấn đề tiếp thu sửa trong luật này, có những vấn đề phải nghiên cứu tiếp. Chúng tôi sẽ cố gắng từ nay cho đến kỳ họp tới để hoàn thiện, báo cáo lại với Quốc hội trong khả năng, điều kiện tốt nhất của cơ quan soạn thảo”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực, chủ trì, phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý dự thảo luật, các tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đầy đủ theo quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với phương châm bảo đảm những gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm đưa vào luật để luật ban hành có hiệu lực nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bà cũng yêu cầu hai cơ quan phối hợp hoàn thiện thêm để trình hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sẽ diễn ra vào cuối tháng 8, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.