Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
VHO - Chiều 23.11, với 86,22% tỉ lệ đại biểu tán thành, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, hôm nay là ngày Di sản văn hóa Việt Nam, việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa chính là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội với việc bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quán triệt và thực hiện chủ trương đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; bảo đảm các quy định rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; giao Chính phủ, các Bộ quy định các nội dung theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết; hạn chế tối đa việc quy định trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các luật khác.
Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (7 chương, 73 điều), bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới cơ bản, cụ thể như: Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
Đồng thời hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; Quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích.
Luật cũng quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; Bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; Quy định chính sách về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; Bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng; Bổ sung quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hoá.
Để giải quyết những điểm bất cập, bảo đảm tính hợp hiến, tính kế thừa, Luật chỉ quy định những vấn đề mới đã rõ, được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; sửa đổi những quy định chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn đặt ra. Luật Di sản văn hóa tập trung vào việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích...
Phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cụ thể: Quy định thẩm quyền xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích theo hướng: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với di tích cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đối với di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với di tích quốc gia đặc biệt;
Quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích...
Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hoá còn nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động sử dụng, khai thác di sản văn hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá, chuyển đổi số, việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật Di sản văn hoá được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra từ thực tế sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.