Đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản Khu đền tháp Mỹ Sơn

KHÁNH CHI

VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ VHTTDL về việc đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản Khu đền tháp Mỹ Sơn - ảnh 1
Du khách tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn

Du khách tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn

 Trong đó, định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại khu vực bảo vệ nguyên vẹn, ng­hiêm ngặt và lâu dài tất cả các dấu vết còn sót lại; các khu vực cần tôn tạo, chỉnh trang các công trình dịch vụ, công cộng, cảnh quan không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phát huy giá trị khu di tích, trên cơ sở phù hợp với đặc trưng và các giá trị di tích, cảnh quan môi trường thiên nhiên khu vực. Phát huy bền vững giá trị di tích đã được UNESCO công nhận gắn với các đặc điểm địa hình cảnh quan và giá trị của di tích, với tư cách là tài nguyên du lịch. Đồng thời, bổ sung các công trình dịch vụ du lịch mới, chuyển đổi mô hình trồng cây trồng đáp ứng những yếu tố và nhu cầu mới phát sinh trong giai đoạn lập quy hoạch.

Nâng cao trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng; Xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển bền vững; cần đề xuất một số cơ chế khuyến khích hình thức đầu tư xã hội hóa, cơ chế ưu đãi đối với các dự án đầu tư ưu tiên, nhằm hoàn thiện từng bước trong việc bảo vệ các đặc trưng và giá trị di tích theo từng giai đoạn. Một số nội dung chính của nhiệm vụ lập quy hoạch di tích như: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, theo đó nghiên cứu, khảo cổ, khảo sát di tích. Khảo sát, đánh giá hệ thống các di tích khảo cổ, lịch sử, văn hóa trong phạm vi lập quy hoạch. Thực trạng bảo tồn và quản lý di tích như cơ chế và chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; nguồn nhân lực bảo vệ và quản lý di tích; sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khảo cổ khu vực di tích chưa phát lộ hoặc mất dấu vết cần phát lộ và khảo cổ học. Khảo sát, điều tra, sưu tầm tài liệu, tổng hợp các dữ liệu, số liệu về di tích,…

Khảo sát, đánh giá điều kiện môi trường, khí hậu và thủy văn của khu vực; điều kiện kinh tế, xã hội của khu vực quy hoạch; hiện trạng xây dựng và hạ tầng kỹ thuật; hiện trạng sử dụng đất; hiện trạng đô thị, kiến trúc và cảnh quan. Nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc gắn với khu vực di tích như phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa phi vật thể; các vấn đề về tiếp cận dịch vụ xã hội và sinh kế của người dân. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch, cơ cấu và lượng khách du lịch; các sản phẩm và dịch vụ du lịch; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; doanh thu từ hoạt động du lịch trong khu vực. Đánh giá hiệu quả của hoạt động đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích, rà soát các quy hoạch, dự án đang triển khai có tác động đến việc thực hiện quy hoạch, việc kế thừa, điều chỉnh các quy hoạch đã có trong phạm vi di tích. Hệ thống các văn bản, tổ chức và hoạt động quốc tế ảnh hưởng tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Về định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới, trong đó khu vực I cải tạo, duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp các công trình hiện có; Nghiên cứu đầu tư xây dựng bổ sung các hạng mục công trình thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Khu vực II nghiên cứu đầu tư xây dựng bổ sung các hạng mục công trình mới nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách tham quan du lịch; Phát triển hoạt động du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên, rừng cây thảo dược, rừng cây ăn quả đặc hữu tại khu vực đầu nguồn suối Thẻ, lối vào và kết nối với các điểm du lịch tại các khu vực phụ cận.