Để đền Rừng (Hà Nội) trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách

NAM PHƯƠNG

VHO - Có mặt tại đền Rừng thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội vào dịp rằm tháng 2 âm lịch, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là không có cảnh vàng mã chất cao ngút ngàn mà thay vào đó là các bức tranh khắc họa ngựa, voi giấy, vàng thoi... và mọi phẩm vật cho các giá hầu đều được giản tiện nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm chốn thờ tự.

Dùng mã tranh thay cho đốt vàng mã

Giải đáp cho những thắc mắc này của chúng tôi, thủ nhang đồng đền - Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai cho biết, trong năm 2025 đền Rừng sẽ có nhiều đổi mới trong cách thức hoạt động.

Để đền Rừng (Hà Nội) trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách - ảnh 1
Thủ nhang đồng đền - Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai giới thiệu mã tranh thay thế cho vàng mã

Ngay trong dịp Tết và lễ hội Xuân Ất Tỵ, đền đã tiên phong trong việc không đốt vàng mã tràn lan để thực hiện tinh thần nếp sống văn minh mà Chính phủ, Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các lễ hội truyền thống nghiêm túc thực hiện.

Bên cạnh việc không đốt vàng mã, ban quản lý đền Rừng cũng sẽ thực hiện tuyên truyền vận động người dân, người hoạt động tín ngưỡng giảm về quy mô, số lượng vàng, mã trong các canh hầu, khóa lễ, tiến tới bỏ hoàn toàn để đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

"Phật, Thánh chứng là cho tấm lòng thành chứ không phải mâm cao, cỗ đầy hay vật phẩm cúng tiến. Vì thế chúng tôi đã áp dụng mã tranh cho các khóa lễ để giảm thiểu việc đốt vàng mã, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Gần đây nhất, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành công văn số 418/BVHTTDL- VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025.

Nội dung công văn cũng khuyến cáo các cơ sở thờ tự vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ", thủ nhang đồng đền Hoàng Xuân Mai cho biết.

Vốn là một thanh đồng, từng thực hiện nhiều khóa hầu đồng, đốt nhiều vàng mã như cách làm truyền thống nhưng sau nhiều năm đúc rút, thủ nhang Hoàng Xuân Mai thấy rằng việc đốt nhiều vàng, mã gây tốn kém, lãnh phí, ảnh hưởng đến môi trường và tăng nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở thờ tự.

Vì thế ông đã vận động các con nhang không đốt vàng mã và mong muốn đền Rừng sẽ là đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện sáng kiến mã tranh để giảm thiểu việc đốt vàng mã.

"Thực ra mã tranh đã có từ cổ xưa rồi và trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước nên chúng tôi mong muốn dùng mã tranh thay thế để các thanh đồng, đồng thầy, con nhang, đệ tử đến với đền Rừng sẽ không phải tốn kém chi phí, đến với Thánh, bằng tấm lòng thành, cùng nhau cầu khấn cho đất nước thái bình, thịnh vượng", đồng đền Hoàng Xuân Mai chia sẻ.

Kể lại câu chuyện từ một thanh đồng làm công nhân với nhiều khó khăn khi mới lập nghiệp cho tới giờ khi điều kiện kinh tế khá giả, thủ nhang Hoàng Xuân Mai mong muốn các thanh đồng, thầy đồng trên cả nước cùng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ việc hạn chế tối đa việc đốt vàng mã.

Thay vì dùng những vật phẩm như voi giấy, ngựa giấy, vàng thỏi... giờ chỉ cần các bức tranh thay thế là khóa lễ đã có thể thực hiện. Loại giấy được thủ nhang lựa chọn cũng là loạt giấy không có nilon, dễ cháy để khi đốt, không làm ô nhiễm môi trường.

Để đền Rừng (Hà Nội) trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách - ảnh 2
Việc thay vàng mã bằng mã tranh sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong các khóa hầu

"Trước đây các khóa hầu sẽ tốn rất nhiều chi phí thì nay với việc đưa mã tranh và đơn giản hóa các vật phẩm thờ cúng nhưng vẫn đảm bảo được tính tôn nghiêm thì ngay như một khóa hầu để mở phủ cũng chỉ tốn từ 1,2-1,5 triệu đồng.

Vì thế ngay cả với các bạn trẻ nếu muốn tìm về với đạo Mẫu, với nét văn hóa đặc trưng của dân tộc cũng có thể về đền Rừng để làm khóa lễ. Ban quản lý sẽ hỗ trợ tối đa cho các thanh đồng, thầy đồng", thủ nhang Hoàng Xuân Mai nhắn gửi.

Vị thủ nhang này cũng cho biết, thực hiện quy định về việc quản lý tiền công đức "tiền Thánh để dùng việc Thánh" nên toàn bộ tiền thập phương công đức đều được nhà đền công khai, minh bạch. Ngay cả tiền ủng hộ cho thủ nhang hay nhà đền cũng được công khai và dùng vào việc chung như sửa chữa, xây dựng nhà đền và chìa khóa két do ban quản lý di tích giữ, có camera giám sát để đảm bảo tính minh bạch.

Đưa đền Rừng trở thành địa chỉ du lịch văn hoá tâm linh tiêu biểu thủ đô

Tại đền Rừng, lễ phẩm của người dân cúng tiến cũng sẽ được dùng để làm từ thiện bằng các suất ăn cho các bệnh nhân hay nhận hỗ trợ cho trẻ em cơ nhỡ. Thủ nhang đền Rừng cũng mong muốn nhà đền sẽ lan tỏa được những điều tốt đẹp để góp phần định hướng cho giới trẻ ngày nay hướng tới những giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc và của đạo Mẫu.

Để đền Rừng (Hà Nội) trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách - ảnh 3
Thủ nhang đồng đền Hoàng Xuân Mai (áo đỏ) cho biết Đền Rừng sẽ tiên phong trong việc thực hiện tinh thần nếp sống văn minh

"Đền Rừng thờ chính cung Nhị vị Chúa Bà cai quản sơn lâm, sơn trang. Vì thế chúng tôi mong muốn sẽ góp phần định hướng, giáo dục giới trẻ, khi đến đền, không phải là mê tín, dị đoan mà là để bày tỏ tấm lòng thành với các chư vị đã có công dựng xây đất nước, phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng.

Đó cũng là tấm lòng tri ân biết hướng tới tổ tiên, nguồn cội, là nét đẹp trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt, của đạo Mẫu. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng ta cùng góp phần xây dựng để văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam trường tồn, phát triển.

Đền Rừng không chỉ là nơi nương tựa tâm linh mà còn là mái nhà của lòng nhân ái. Mỗi ngọn nến thắp lên là một lời nguyện cầu, mỗi phần quà trao đi là niềm hy vọng được nhân rộng.

Thủ nhang con nguyện gìn giữ và phát huy giá trị linh thiêng của đền Rừng, để nơi đây mãi là điểm tựa văn hóa, tâm linh và nhịp cầu nhân ái của cộng đồng; đưa đền Rừng trở thành địa chỉ du lịch văn hoá tâm linh tiêu biểu thủ đô”, nghệ nhân chia sẻ.

Ông cũng cho biết, ban quản lý di tích muốn xây dựng đền Rừng là một mô hình điểm không đốt vàng mã và trở thành điểm đến tâm linh thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn là du khách quốc tế, để góp phần quảng bá cho văn hóa Việt Nam.

Đền Rừng tọa lạc trên khu đất rộng, mặt hướng ra sông Hồng nhìn về trung tâm thành phố. Thế nên, từ lâu Đền đã trở thành điểm đến linh thiêng, nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương cũng như khách thập phương.

Đền Rừng còn được biết đến với tên gọi Gia Thượng Linh từ và Tứ vị phủ. Tên gọi Tứ vị phủ xuất phát từ việc phụng thờ các vị Thánh của đền. Theo các bút tích ghi lại, Đền được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ XIX.

Theo thủ nhang đồng đền Hoàng Xuân Mai, với nỗ lực của người dân và UBND phường Ngọc Thụy cũng như sự đóng góp của du khách thập phương, đền Rừng ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng và đậm nét văn hóa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc