Lễ Thượng Nguyên tại Đền Rừng:

Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân

KHẢI HƯNG

VHO - Trong hai ngày 11 và 12.2.2025, tức 14 và 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tại đền Rừng thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, đã diễn ra Lễ Thượng Nguyên, với nhiều hoạt động giàu bản sắc và ý nghĩa.

 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 1
Lễ Thượng Nguyên tại Đền Rừng gồm nhiều hoạt động ý nghĩa và đặc sắc

Đền Rừng tọa lạc trên khu đất rộng, mặt hướng ra sông Hồng nhìn về trung tâm thành phố. Thế nên, từ lâu Đền đã trở thành điểm đến linh thiêng, nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương cũng như khách thập phương.

Nhân dịp Rằm tháng Giêng, tại Đền đã tổ chức Lễ Thượng Nguyên, hoạt động mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới với những ước nguyện về bình an và thịnh vượng.

Theo tín ngưỡng dân gian và Phật giáo Việt Nam, Lễ Thượng Nguyên diễn ra vào Rằm tháng Giêng là một trong ba ngày rằm quan trọng trong năm. Đây là thời điểm đầu xuân, mọi người thường làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm, mong bình an, may mắn cho cả năm.

 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 2
Nước được lấy từ ngã ba sông và đưa về Đền Rừng

Một trong những hoạt động quan trọng và đặc sắc trong Lễ Thượng Nguyên là nghi lễ rước nước sông Hồng, với ý nghĩa mang nguồn nước trong lành tươi tốt về để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đoàn rước nước có cờ, biểu ngữ, chiêng trống, đội bát âm, kiệu thánh với đoàn tế và dân làng. Đoàn rước đi tàu đến ngã ba sông để múc nước vào chum rồi trở lại.

Khi vào bờ, đoàn rước nước tạo nên hoạt cảnh thật tươi vui ngày đầu xuân. Giữa cờ quạt rợp trời là tiếng pháo rộn ràng xen lẫn tiếng chiêng trống vang lừng.

 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 3
Nghi lễ càng linh thiêng trong tiết lập xuân

Nghi lễ càng linh thiêng hơn trong tiết trời hửng nắng lập xuân. Từ Đền Rừng nhìn ra, đoàn rước nước nối dài đông vui, trên có nắng xuân ấm áp xiên qua khói mây vần vũ, dưới là sóng nước Hồng Hà mênh mang, và xa xa là hình ảnh trung tâm Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thật là nơi phong cảnh hữu tình, linh khí hội tụ.

Đền Rừng còn được biết đến với tên gọi Gia Thượng Linh từ và Tứ vị phủ. Tên gọi Tứ vị phủ xuất phát từ việc phụng thờ các vị Thánh của đền. Theo các bút tích ghi lại, Đền được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ XIX.

 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 4
Thủ nhang đồng đền Hoàng Xuân Mai (áo đỏ) cho biết Đền Rừng sẽ tiên phong trong việc thực hiện tinh thần nếp sống văn minh

Theo thủ nhang đồng đền Hoàng Xuân Mai, với nỗ lực của người dân và UBND phường Ngọc Thụy cũng như sự đóng góp của du khách thập phương, đền Rừng ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng và đậm nét văn hóa.

“Đền Rừng không chỉ là nơi nương tựa tâm linh mà còn là mái nhà của lòng nhân ái. Mỗi ngọn nến thắp lên là một lời nguyện cầu, mỗi phần quà trao đi là niềm hy vọng được nhân rộng. Thủ nhang con nguyện gìn giữ và phát huy giá trị linh thiêng của đền Rừng, để nơi đây mãi là điểm tựa văn hóa, tâm linh và nhịp cầu nhân ái của cộng đồng; đưa đền Rừng trở thành địa chỉ du lịch văn hoá tâm linh tiêu biểu thủ đô”, nghệ nhân chia sẻ.

Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai cũng cho biết, trong năm 2025 đền Rừng sẽ có nhiều đổi mới trong cách thức hoạt động. Ngay trong dịp Tết và lễ hội Xuân Ất Tỵ, đền sẽ tiên phong trong việc không đốt vàng mã tràn lan để thực hiện tinh thần nếp sống văn minh mà Chính phủ, Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các lễ hội truyền thống nghiêm túc thực hiện từ năm 2024.

Bên cạnh việc không đốt vàng mã, ban quản lý đền Rừng cũng sẽ thực hiện tuyên truyền vận động người dân, người hoạt động tín ngưỡng giảm về quy mô, số lượng vàng, mã trong các canh hầu, khóa lễ, tiến tới bỏ hoàn toàn để đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Một số hình ảnh nghi lễ rước nước:

 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 5
 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 6
 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 7
 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 8
 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 9
 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 10
 Nét đẹp văn hóa tâm linh đầu Xuân - ảnh 11