Kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại Nam Định:

Đẩy mạnh tuyên truyền bản sắc văn hoá truyền thống trong lễ hội

NGUYỄN LINH

VHO - Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội năm 2025, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã tổ chức đoàn công tác, kiểm tra việc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại tỉnh Nam Định.

Đẩy mạnh tuyên truyền bản sắc văn hoá truyền thống trong lễ hội - ảnh 1
Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại di tích đền Bảo Lộc

Trong quá trình làm việc, đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại đền Trần và đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, TP Nam Định, tỉnh Nam Định).

Tại các điểm di tích, đoàn đã thị sát, kiểm tra công tác tổ chức, quy hoạch di tích, công tác đón tiếp du khách, vệ sinh môi trường, đặc biệt là công tác tuyên truyền, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các lễ hội…, đồng thời làm việc trực tiếp với đại diện Sở VHTTDL tỉnh Nam Định; UBND TP Nam Định; chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh; BQL di tích đền Trần và đền Bảo Lộc…

Đẩy mạnh tuyên truyền bản sắc văn hoá truyền thống trong lễ hội - ảnh 2
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng (bên phải) kiểm tra thực tế tại di tích đền Bảo Lộc

Báo cáo đoàn công tác, chính quyền địa phương và BQL di tích đền Trần; đền Bảo Lộc cho biết, công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức trong mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ đã được chủ động triển khai từ sớm. Việc tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện chặt chẽ, bài bản.

Trong đó, công tác tuyên truyền trực quan và trên hệ thống loa truyền thanh trong khu vực di tích được địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội chú trọng để nhân dân và du khách khi đến các di tích, lễ hội đều có ý thức trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội. 

Đẩy mạnh tuyên truyền bản sắc văn hoá truyền thống trong lễ hội - ảnh 3
Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại di tích đền Bảo Lộc

Tại các điểm di tích, đoàn công tác ghi nhận những nỗ lực cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, BQL Khu di tích đền Trần, BQL di tích đền Bảo Lộc và Thủ nhang, nhà Đền trong công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội, đồng thời đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương và BQL các di tích, BTC các lễ hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3.8.2023 của Bộ VHTTDL ban hành "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống"; công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hoá tại các địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật tín ngưỡng tôn giáo; các Nghị định, văn bản chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Sau khi kiêm tra thực tế, đoàn công tác đã có buổi làm việc với đại diện Sở VHTTDL tỉnh Nam Định; UBND TP Nam Định; BQL di tích đền Trần và đền Bảo Lộc, về công tác chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024; phương hướng thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025; triển khai Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3.8.2023 của Bộ VHTTDL ban hành "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống"; Kế hoạch tổ chức lễ hội Đền Trần, Đền Bảo Lộc năm 2025; kiến nghị của địa phương về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền bản sắc văn hoá truyền thống trong lễ hội - ảnh 4
Đoàn công tác làm việc với chính quyền địa phương và BQL di tích đền Bảo Lộc

Theo báo cáo của đại diện Sở VHTTDL tỉnh Nam Định, công tác tổ chức các lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, tiết kiệm phần lễ được tổ chức trang nghiêm, theo nghi thức truyền thống, phần hội được tổ chức phong phú thông qua các hoạt động văn hoá dân gian, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ như: hát chầu văn, hát chèo, ca trù, tổ chức các môn thể thao truyền thống như võ vật, cờ người, đu quay… gắn các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống, thể thao hiện đại với các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh Nam Định thân thiện và mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế…

Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống”, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường công tác quản lý lễ hội truyền thống; từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền bản sắc văn hoá truyền thống trong lễ hội - ảnh 5
Đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao bậc tiền nhân tại đền Trần

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Nam Định trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo đó, công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn Nam Định nói chung và tại các di tích khá tốt và bài bản, cho thấy sự quan tâm chỉ đạo cũng như quyết tâm của chính quyền địa phương nhằm tạo diện mạo mới cho các lễ hội, di tích, trở thành điểm đến thu hút du khách.

Đẩy mạnh tuyên truyền bản sắc văn hoá truyền thống trong lễ hội - ảnh 6
Đoàn công tác làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Nam Định; UBND TP Nam Định và BQL di tích đền Trần và đền Bảo Lộc

Ông Thắng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, giới thiệu về di tích đã được chú trọng triển khai hơn trước. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của người làm dịch vụ, người đi lễ, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, tri ân các bậc tiền nhân.

“Những gì thuộc về bản sắc văn hoá truyền thống Việt Nam là giá trị cốt lõi của dân tộc, thì chúng ta phải tập trung tuyên truyền, phải cố gắng gìn giữ, vừa bảo tồn vừa phát huy. Còn những gì trong quá trình tiếp biến chưa phù hợp, chưa đúng với văn hoá truyền thống, các quy định hiện nay của Nhà nước thì chúng ta cần loại bỏ. Cùng với đó, tăng cương tập huấn đối với người làm công tác dịch vụ; xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội… không để yếu tố thương mại át đi các yếu tố truyền thống trong lễ hội, để lễ hội truyền thống trở thành một khuôn mẫu, trở thành điểm đến của các du khách trong và ngoài nước”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, các đơn vị cần chú ý tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo các cấp về công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng như hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội. Kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm.

Nam Định nằm ở trung tâm vùng phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi phát tích của vương triều Trần - triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Đây là vùng đất đậm đặc di tích, di sản với 1360 di tích, trong đó có 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 88 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 340 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian như: hát chèo, hát chầu văn, hát ca trù, nghệ thuật múa rối nước, rối cạn, cà kheo, nhạc kèn, múa rồng, múa sư tử, múa lân...

Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Nam Định có 245 lễ hội truyền thống (trong đó có 6 lễ hội truyền thống cấp huyện; 239 lễ hội cấp xã), 4 lễ hội văn hoá cấp huyện và hàng trăm lễ hội thôn, làng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc