Thanh Hoá:

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi

NGUYỄN LINH

VHO - Sáng 24.9 (tức ngày 22.8 năm Giáp Thìn), tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 591 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi - ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân)

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo và khởi xướng vào năm Mậu Tuất 1418. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, đến cuối năm 1427, bằng nhiều chiến thắng quyết định tại Chi Lăng, Xương Giang, Cầu Trạm... đã buộc giặc Minh phải rút quân về nước.

Từ đây đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị của Vương triệu Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.

Trong 6 năm ở ngôi hoàng đế, Lê Thái Tổ cho xây dựng một nhà nước Trung ương tập quyền vững mạnh, ban hành nhiều chính sách tiến bộ về ruộng đất, phát triển công thương nghiệp, cho lưu hành tiền tệ, đẩy mạnh giáo dục và lựa chọn hiền tài, mở rộng bang giao, giữ yên bờ cõi. Nhờ đó, nước Đại Việt vào thời hậu Lê đã trở nên thái bình, thịnh trị, Nhân dân được sống yên vui, hạnh phúc.

Sau khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tổ đã chọn đất tổ Lam Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua và hoàng hậu. Kể từ đó, Lam Kinh - Tây Kinh trở thành vùng đất thiêng - nơi mỗi người hướng về cội nguồn với lòng tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân, tiên tổ. Đây cũng chính là cơ sở cho sự ra đời và sức sống trường tồn của lễ hội Lam Kinh trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Ngày 21 và 22.8 âm lịch hằng năm là ngày chính lễ của Lễ hội Lam Kinh. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các Vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm nay, do để ưu tiên nguồn lực tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau bão, lũ nên Lễ hội Lam Kinh không tổ chức phần hội, chỉ tổ chức dâng hương theo nghi thức truyền thống tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), Thái miếu nhà Hậu Lê và Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi (TP Thanh Hóa).

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi - ảnh 2
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân

Trong không khí thành kính, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã dâng nén tâm hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà quê hương, đất nước đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quỵết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII); Nghị quyết số 37 của Quốc hội; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; không ngừng đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.