Đầu tư trọng tâm, đưa bản sắc văn hoá Thủ đô ra thế giới

Q.HOA

VHO - Văn hoá ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và luôn được xem là nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài.

Cụ thể, Thành phố đã ban hành và đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình phát triển, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (giai đoạn 2016 - 2020) và đến giai đoạn 2021 - 2025 là Chương trình 06 - CTr/TU ngày 17.3.2021.

Đầu tư trọng tâm, đưa bản sắc văn hoá Thủ đô ra thế giới - ảnh 1
Du khách tìm hiểu về mâm cơm và ẩm thực của người Hà Nội

Tiếp đó, Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ (2020 - 2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, đồng thời xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22.2.2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa (trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và tiên phong triển khai phát triển văn hóa, thực hiện mục tiêu kép, vừa phát huy văn hóa ngàn năm, vừa đưa văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là bước tiến đột phá, quan trọng.

Trên cơ sở các Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết, dành nguồn lực, thông qua các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ. UBND các cấp, các ngành và các quận, huyện, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.

Để phát huy sức mạnh văn hóa, TP Hà Nội đã tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế.

Thành phố đã có nhiều chỉ đạo triển khai chương trình giao lưu văn hóa giữa Thủ đô Hà Nội với Thủ đô của các nước, nhất là các nước đã gắn bó về mặt ngoại giao. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm những năm chẵn về quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, chúng ta đều tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa hai chiều, sự kiện giao lưu có ý nghĩa ở Hà Nội, đồng thời, cử đoàn giới thiệu văn hóa truyền thống ở nước bạn, chẳng hạn như: tổ chức những ngày Hà Nội tại Moscow, Seoul… Kết hợp giới thiệu di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam tại hội chợ thương mại, du lịch ở trong và ngoài nước. 

So với các tỉnh, TP trên cả nước, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ đầu tư cho thiết chế văn hóa cao hơn. Theo số liệu của Bộ VHTTDL, tỉ lệ ngân sách dành cho văn hóa tại hai địa phương có GDP đầu người vào hàng cao nhất miền Bắc là Hà Nội và Vĩnh Phúc cho thấy, từ năm 2015 Hà Nội chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là 812 tỉ đồng, chiếm 0,72% tổng chi ngân sách. Năm 2020, Hà Nội chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin với tỉ lệ cao nhất là 0,767% tổng chi ngân sách.

Thời gian tới, theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TP, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.