Đặt nhiều kỳ vọng với Bộ VHTTDL trong năm 2024
VHO- Cùng với những ghi nhận về sự nỗ lực và thành công vượt bậc, dấu ấn đột phá của Bộ, ngành VHTTDL trong năm 2023 cũng như trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, nhiều đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia… đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, kỳ vọng trong năm 2024 và nửa cuối nhiệm kỳ, Bộ VHTTDL tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, chèo lái “cỗ xe tam mã” vượt qua thử thách, về đích thành công.
Mong Bộ trưởng tiếp tục đồng hành với địa phương
Được cử tri tỉnh Kon Tum tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã góp phần tích cực để xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh nhà.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp quý báu với lãnh đạo tỉnh trong thực hiện các chủ trương phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh Kon Tum tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn của tỉnh như: Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum; Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh tại tỉnh Kon Tum; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2023… Qua đó góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh và nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước, tạo sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các tỉnh còn nhiều khó khăn như Kon Tum tham gia được nhiều hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; góp phần quảng bá du lịch địa phương; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Kon Tum trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
(Đại biểu U HUẤN, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Kon Tum)
Không thỏa mãn với những kết quả, cần nỗ lực hơn nữa
Tôi đánh giá cao vai trò tham mưu của Bộ VHTTDL trong việc cùng các Bộ, ngành khác đề xuất Chính phủ, Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung 2 luật liên quan đến xuất, nhập cảnh, tháo gỡ “điểm nghẽn” về visa, giúp du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế.
Đối với chủ trương nới lỏng visa để thu hút khách quốc tế, Bộ VHTTDL đã đeo đuổi từ rất lâu, thể hiện rõ vai trò tham mưu, có trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công quản lý nhà nước. Việc Quốc hội đồng hành trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, tháo gỡ “điểm nghẽn” đã thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với yêu cầu khách quan, những vấn đề cấp thiết của đời sống, cùng Chính phủ điều hành sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tôi cũng đánh giá cao Bộ VHTTDL đã có nhiều định hướng để các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách cũng như việc cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới các thị trường tiềm năng, có khả năng chi trả cao.
Tuy nhiên, về chất lượng dịch vụ tổng thể, chúng ta vẫn còn khoảng cách so với nhiều nước trong khu vực, vì thế không nên hài lòng với những kết quả đã đạt được mà cần cố gắng hơn nữa trong việc tạo ra một môi trường tổng thể, đồng bộ cả về kinh tế, xã hội để phát triển du lịch và phân loại dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho các mức thị trường khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Bên cạnh việc phục vụ tốt hơn cho du khách quốc tế, chúng ta cũng cần phát triển các dịch vụ, phục vụ tốt hơn cho du khách nội địa. Trong thời gian khó khăn sau đại dịch Covid-19 thì du lịch nội địa đã là cứu cánh, là bệ đỡ, bởi vậy chúng ta càng cần chú trọng hơn thị trường này.
Về văn hóa, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành, người dân đã quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, sự quan tâm này vẫn là chưa đủ, chưa xứng tầm với vai trò, vị trí của văn hóa như quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tôi cho rằng dung lượng về văn hóa trong báo cáo của Chính phủ, trong các thảo luận của Quốc hội còn mỏng, nhiều đại biểu cũng có ý kiến cho rằng phần đánh giá về văn hóa nên được làm đậm nét hơn vì văn hóa gắn với đặc trưng riêng của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Cần phải nhìn nhận, chúng ta đã chưa đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò của văn hóa. Câu chuyện về chấn hưng, phát triển văn hóa cũng đã được đề cập và đó cũng là mục tiêu để chúng ta xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Dù là khá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Vấn đề là làm sao xây dựng chương trình mang tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và cần tính toán kỹ lưỡng xem nguồn lực lấy ở đâu, chỗ nào thì cần ngân sách nhà nước, chỗ nào cần kinh phí xã hội hóa để huy động được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp”.
(Đại biểu TRỊNH XUÂN AN, Đoàn ĐBQH Đồng Nai)
Cần quan tâm hơn đến đời sống văn hóa cơ sở và thể thao quần chúng
Trong hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, với tư cách cá nhân, tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động ngành VHTTDL của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ, ngành VHTTDL trong việc triển khai, tổ chức và thực hiện các hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong hơn nửa nhiệm kỳ qua. Với sự đầu tư của Bộ VHTTDL, các Sở, ngành đã làm được khá nhiều việc, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp và thể thao thành tích cao.
Tuy nhiên, tôi cho rằng năm 2024 cũng như gần nửa nhiệm kỳ còn lại, Bộ VHTTDL cần quan tâm nhiều hơn đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thể dục thể thao quần chúng trong cộng đồng dân cư. Nếu các hoạt động tại cơ sở phát triển chậm hoặc phát triển không đồng đều, chúng ta sẽ thiếu những nhân tố tham gia các cuộc vận động, phong trào quần chúng gắn với các địa phương, gắn với phong trào TDXDĐSVH tại các khu dân cư, xây dựng nông thôn mới…
(Ông TRẦN TRƯỜNG SƠN, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM)
Quan tâm nhiều hơn nữa cho các địa phương
Câu chuyện chấn hưng văn hóa và sự cần thiết phải đầu tư cho văn hóa, để văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, để xứng đáng với vị thế của một ngành được xác định “vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển” đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Tôi cho rằng, ngành Văn hóa đang đứng trước thời cơ vô cùng thuận lợi để bật lên, phát triển mạnh mẽ và khẳng định vị thế của mình.
Những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt được về cải cách hành chính, thể chế, đầu tư cho trùng tu, bảo vệ di sản, phát triển các thiết chế văn hóa, đặc biệt là văn hóa cơ sở… rất đáng được cổ vũ, ghi nhận. Việc
Việt Nam quan tâm đầu tư cho bảo tồn di sản, tham gia tích cực vào các hoạt động của tổ chức UNESCO đã góp phần không nhỏ để nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cùng với văn hóa, các hoạt động thể thao được tổ chức liên tục, sôi nổi và ngày càng phát triển về chất lượng, góp phần quan trọng xây dựng nên hình ảnh một nước Việt Nam năng động, hấp dẫn. Sự phục hồi khá mạnh mẽ của ngành Du lịch gắn bó chặt chẽ với sự phục hồi của các hoạt động văn hóa và thể thao. Đó là điều rất đáng mừng!
Bước vào năm 2024, bản thân tôi và rất nhiều người làm văn hóa, thể thao mong muốn Bộ VHTTDL có sự quan tâm nhiều hơn nữa cho các địa phương, đặc biệt là sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Bộ cũng nên quan tâm đầu tư một số thiết chế văn hóa cơ sở, hỗ trợ các địa phương về phát triển công nghiệp văn hóa; quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách để bồi dưỡng, khuyến khích đội ngũ con người hoạt động trong lĩnh vực này. Về chiến lược phát triển văn hóa, cần nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa để thúc đẩy công cuộc chấn hưng văn hóa theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; kiên trì, quyết tâm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và có khả năng hội nhập cao, nhưng vẫn là một đất nước của “hồn sen, nón lá và áo dài”.
(TS PHAN THANH HẢI, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế)
Nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
Thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ tỉnh Bình Định trong phát triển sản phẩm du lịch mới; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; thúc đẩy khai thác các đường bay quốc tế đến Việt Nam… Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảm ơn sự hỗ trợ đắc lực và có hiệu quả của Bộ với địa phương, đồng thời chúng tôi cũng đề nghị, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch MICE để địa phương có cơ sở trong việc hỗ trợ cộng đồng dân cư phát triển du lịch, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh và các địa phương phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch nhằm tăng khả năng điều phối, luân chuyển khách giữa các vùng, địa phương theo các tour du lịch, chương trình du lịch.
Cùng với đó, mong muốn Bộ VHTTDL hỗ trợ tỉnh triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch ra thị trường du khách quốc tế; hỗ trợ tỉnh trong công tác xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, hỗ trợ Bình Định đánh giá và xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Khu du lịch Phương Mai là Khu du lịch quốc gia.
(Ông TRẦN VĂN THANH, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định)
Để du lịch tạo đà, cất cánh trong năm 2024
Năm qua có nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam và cả thế giới. Mặc dù vậy, hơn nửa nhiệm kỳ qua, sự nỗ lực của toàn ngành VHTTDL, từ lãnh đạo Bộ đến các đơn vị trực thuộc và các địa phương đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Để tiếp tục có những kết quả tốt hơn và thực sự tạo đà, kích hoạt cho sự phát triển, tăng trưởng của ngành Du lịch trong năm 2024 và các năm tiếp theo, theo tôi cần phải lưu ý một số điểm.
Cần rà soát và củng cố thêm cơ chế, chính sách mới, tạo nền tảng bứt phá, thu hút và kích thích sự quan tâm của du khách quốc tế từ nhiều đối tượng khách hàng, xúc tiến quảng bá bằng nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới, gồm cả thị trường truyền thống và thị trường mới, từ đó có thể chia bớt rủi ro trong khi bối cảnh, tình hình thế giới còn chưa có nhiều điểm sáng. Cần rà soát và củng cố thêm các thể chế tạo sự khuyến khích, thu hút đầu tư mạnh từ doanh nghiệp, đặc biệt thu hút các FDI lớn để nhanh chóng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, có cơ chế khuyến khích đa dạng dạng thức đầu tư phù hợp với đặc điểm và năng lực của từng vùng và địa phương, trên cơ sở quy hoạch tổng thể và định hướng thống nhất gắn với bản sắc văn hóa, đặc trưng lợi thế đặc thù về tự nhiên, con người của các địa phương của Việt Nam.
Rà soát các sản phẩm du lịch hiện có, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó đặc biệt chú ý đến các cơ sở hạ tầng số để khai thác nguồn tài nguyên số hóa, phát triển du lịch thực tế ảo, du lịch số… Có cơ chế tiếp cận mới trong hỗ trợ và trợ giúp các đánh giá, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực du lịch gắn chặt với các chương trình quốc gia như nông thôn mới, dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững để tạo thành chuỗi giá trị chỉnh thể cho phát triển du lịch sáng tạo, toàn diện, bền vững.
Để làm được điều này, cần có sự đồng hành và cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chứ không chỉ riêng ngành Du lịch. Tôi hy vọng rằng, với những tín hiệu tốt của năm 2023, ngành Du lịch nói riêng và VHTTDL nói chung, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tốt đẹp mới trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
(PGS.TS VŨ TUẤN HƯNG, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ)
Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ
Trong thời gian qua, Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL rất quan tâm đến cơ sở, đi địa phương nhiều. Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội sửa đổi và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến ngành; rà soát, ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thực hiện; tham mưu tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp quốc gia như Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam... Gần đây nhất, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo tại Hội nghị là tín hiệu đầy lạc quan để Bộ, ngành và các địa phương quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực sáng giá này. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(Ông NGUYỄN THANH HỒNG, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam)
Cần sự phối hợp hiệu quả
Trong năm 2023, thể thao Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực từ thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao. Trong đó, nổi bật là thể thao thành tích cao khi các VĐV, HLV Việt Nam đã nỗ lực thi đấu, ghi dấu ấn tại các giải quốc tế, các đại hội thể thao khu vực và châu lục. Ấn tượng nhất trong năm 2023 đó là việc thể thao Việt Nam giành ngôi Nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 ở Campuchia với thành tích 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ; phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục đại hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam giành ngôi vị số 1 khu vực khi thi đấu ở nước bạn. Cùng với đó, thể thao Việt Nam còn hoàn thành chỉ tiêu tại Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games 19) ở Hàng Châu (Trung Quốc) với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp 21/45 đoàn tham dự. Thể thao Việt Nam hiện cũng có các môn bơi, xe đạp, bắn súng được chính thức tham dự Olympic 2024 tại Pháp. Bên cạnh đó, thành tích tham dự World Cup nữ của Đội tuyển bóng đá nữ hay chức Vô địch Đông Nam Á thứ hai liên tiếp của Đội tuyển bóng đá nam U23 Quốc gia cũng rất đáng tự hào. Ngoài ra, còn có nhiều VĐV đoạt huy chương vàng tại các giải vô địch thế giới, điển hình như các VĐV Bình Dương: Bao Phương Vinh (Billiards), Hồ Huy Bình (thể hình), Lại Lý Huynh (cờ tướng), Trịnh Thị Kim Thanh và Trần Thị Diễm Trang (bi sắt), Dương Đức Bảo (Muay).
Cùng với thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng trong năm 2023 tại các địa phương cũng đã bám sát định hướng chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng, chính quyền, đảm bảo đúng yêu cầu kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả tích cực, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương. Theo tôi, để thể thao Việt Nam có được những chuyển biến tích cực trong năm 2024, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ VHTTDL, sự phối hợp hiệu quả giữa Cục TDTT và các địa phương. Hơn hết, đó là sự cố gắng không ngừng của tập thể VĐV, HLV trong tập luyện và thi đấu.
(Ông CAO VĂN CHÓNG, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương)
Nhóm PHÓNG VIÊN (thực hiện)