“Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi”

THU HOÀI

VHO - Những ngày này, các diễn viên, nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam, diễn viên quần chúng đã nỗ lực tập dượt, sẵn sàng cho chương trình nghệ thuật ca nhạc kịch - nhạc cảnh sân khấu hóa “Đại Lộc-Khúc tráng ca vọng mai” diễn ra vào tối ngày 28.3 tại huyện Đại Lộc.

Ông Đặng Văn Kỳ - Quyền Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cho biết: Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng huyện Đại Lộc (28.3.1975-28.3.2025) sẽ diễn ra vào tối ngày 28.3 với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật "Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi”.

“Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi”   - ảnh 1
Chương trình nghệ thuật "Đại Lộc-Khúc tráng ca vọng mãi" sẽ diễn ra vào tối ngày 28.3 tại Sân vận động huyện Đại Lộc

Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa Quảng Nam  đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo về ý tưởng nghệ thuật, xây dựng kịch bản, tập luyện để có thể đem đến cho khán giả một chương trình ấn tượng trọn vẹn.

Với sự đầu tư dàn dựng quy mô, công phu, đầy màu sắc nghệ thuật qua từng hoạt cảnh, chọn các tác phẩm âm nhạc phù hợp,….chương trình sẽ phản ánh sự hy sinh cao cả của biết bao người con Đại Lộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và tinh thần đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn xây dựng quê hương tươi đẹp của vùng đất Đại Lộc vững bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi”   - ảnh 2
Các diễn viên, nghệ sĩ nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho đêm nghệ thuật kỷ niệm 50 Ngày giải phóng huyện Đại Lộc

Chương trình nghệ thuật "Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi” sẽ diễn ra xuyên suốt gồm 3 chương: “Vùng đất kiên trung”; “Khúc tráng ca vọng mãi” và  “Đại Lộc vươn mình đổi mới”.

Cùng với các hoạt cảnh sân khấu hóa, xen kẽ giữa các phân đoạn có nhiều tiết mục đặc sắc, phản ánh trục thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai.

Các tiết mục đặc sắc như hát – múa “Màu hoa đỏ”, “Tự nguyện”, “Bão nổi lên rồi”, “Mùa xuân đầu tiên”; hợp ca “Hành khúc ngày và đêm”, Đoàn vệ quốc quân”; Mash up “Nơi hai dòng sông chảy qua” - Dân ca Khu 5 và “Việt Nam tôi” (hợp ca thiếu nhi và tốp ca nam nữ)…

Góp mặt trong chương trình sẽ có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như ca sĩ Anh Thơ, Tố My, Quang Lê, NSƯT Ngọc Thủy và các diễn viên: Thanh Thảo , Trung Phước, Thu Hằng , Văn Triều, Quý Trinh, Nam Cường, Ngọc Trâm, Quý Nhân, Nhật Quyên….

Ngoài ra còn có sự tham gia của lực lượng diễn viên, cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam, hàng chục diễn viên múa chuyên nghiệp và các em thiếu nhi của huyện Đại Lộc.

“Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi”   - ảnh 3
Quần thể kiến trúc đền tưởng niệm Trường An, huyện Đại Lộc có khu thờ bài vị của tất cả dòng họ trên địa bàn huyện, có văn bia tiến sĩ người Đại Lộc, có danh sách liệt sĩ của 18 xã/thị trấn và liệt sĩ hy sinh trên đất Đại Lộc

Là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam, nơi có 2 dòng sông Thu Bồn và Vu Gia chay qua, huyện Đại Lộc từ bao đời nay là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa của xứ Quảng.

Không chỉ là vùng đất vinh quang đầy tự hào, Đại Lộc còn là vùng đất đầy đau thương và mất mát. Dẫu chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức và nỗi đau trong trái tim của người ở lại vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.

Chương trình nghệ thuật ca nhạc kịch – nhạc cảnh sân khấu hoá với chủ đề "Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi” sẽ là bản trường ca về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp, là món quà tinh thần đầy ý nghĩa gửi đến người dân Đại Lộc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện nhà.

Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam cho biết: Điểm nhấn của chương trình là tái hiện những trận chiến lịch sử hào hùng khắc họa những mất mát, đau thương nhưng đầy kiêu hãnh của người dân Đại Lộc. Đồng thời, truyền tải thông điệp về sự tiếp nối truyền thống yêu nước, về khát vọng vươn lên và xây dựng quê hương phồn vinh.

“Đại Lộc - Khúc tráng ca vọng mãi”   - ảnh 4
Chương trình không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, nhằm tri ân và tự hào về những trang sử vàng son của mảnh đất Đại Lộc anh hùng

Đảm nhận vai trò tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Nguyễn Thành Chánh Trực cho biết: Ngay khi đọc kịch bản, tôi đã rất xúc động, trong đầu đã hiện lên những mảng dựng, nhất định phải thực hiện chương trình này.

Câu chuyện nhà bà Hạnh trong kịch bản không là câu chuyện của riêng ai, song đó là lát cắt điển hình về lòng yêu nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do đến ngày hòa bình, xây dựng quê hương hôm nay. Đó là thông điệp kết tinh từ quá khứ hào hùng vẫn thấm đẫm trong tái tim bao người dân Đại Lộc.

“Kịch bản vừa có tính chất bi hùng, bất khuất, vừa mang tính trữ tình rất cao, in đậm vào trái tim mỗi chúng ta về mảnh đất và con người Đại Lộc trong đấu tranh và xây dựng”, đạo diễn Chánh Trực chia sẻ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc