Đặc sắc không gian Tết xưa tại Làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa

VHO – Nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch địa phương, sáng 4.2 (tức ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão), tại Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng), UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức chương trình “Tết xưa, làng cổ” Xuân Giáp Thìn năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc.

Đặc sắc không gian Tết xưa tại Làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa - Anh 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc “Tết xưa, làng cổ” Xuân Giáp Thìn năm 2024

Tham gia chương trình, người dân và du khách đã được trải nghiệm phiên chợ tết xưa của người Việt; hòa mình vào khung cảnh hối hả, rực rỡ sắc màu để sắm tết.

Bên cạnh đó là nhiều hoạt động đặc sắc như trình diễn văn nghệ; tổ chức ẩm thực; trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm, với món ăn đặc trưng như bánh cuốn, bánh xèo, bánh lá, bánh nếp, bánh dầy, bánh đúc, cháo lươn, bún chả, xôi ngũ sắc, ngô, khoai, sắn... Chương trình “Tết xưa, Làng cổ” xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra đến hết ngày 14.2 (tức ngày mồng 5 tháng Giêng, năm Giáp Thìn).

Đặc sắc không gian Tết xưa tại Làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa - Anh 2

Những sản phẩm của người dân Làng cổ Đông Sơn được giới thiệu, bày bán phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách

Làng cổ Đông Sơn được đánh giá là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, cùng với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng Nôm (Hưng Yên), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) ... Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.

Đặc sắc không gian Tết xưa tại Làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa - Anh 3

Trình diễn thư pháp và cho chữ ngày tết tại Chương trình “Tết xưa làng cổ”

Theo nhiều tài liệu, từ khoảng giữa những năm 1920, các nhà khoa học phương Tây đã phát hiện ra nhiều cổ vật của văn hóa Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm. Nơi đây cũng là địa điểm đầu tiên khai quật được những chiếc trống đồng Đông Sơn cổ có từ thời vua Hùng cách đây hàng nghìn năm. Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời bậc nhất Việt Nam, làng Đông Sơn được xem là cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng trên thế giới.

Đặc sắc không gian Tết xưa tại Làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa - Anh 4

Trình diễn hát văn tại Chương trình “Tết xưa làng cổ”

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và thời tiết, làng cổ Đông Sơn vẫn giữ đậm chất làng quê truyền thống Bắc Bộ với cấu trúc “cây đa, giếng nước, sân đình”. Hệ thống giao thông được tổ chức với trục đường chính ở giữa làng rồi chia nhiều nhánh rẽ vào xóm nhỏ. Đó là những con đường gạch lát chỉ đỏ dài hun hút, nối những mái nhà gần nhau, bên cạnh những bức tường đá rêu xanh.

Điểm “nhấn” cũng là nét riêng chỉ có ở làng cổ Đông Sơn chính là những con ngõ được đặt tên theo những giá trị đạo đức cao quý của người Việt: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, điều mà đời nối đời, người dân trong làng vẫn luôn hướng đến và giữ gìn.

Đặc sắc không gian Tết xưa tại Làng cổ Đông Sơn, Thanh Hóa - Anh 5

Các ngõ trong Làng cổ Đông Sơn được trang trí đẹp để người dân và du khách chụp ảnh lưu niệm

Tại làng cổ Đông Sơn hiện còn 13 ngôi nhà cổ, trong đó, ngôi nhà trên 200 tuổi của cụ Lương Trọng Duệ, số 10, ngõ Trí vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đây cũng là ngôi nhà cổ duy nhất ở làng được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận di tích kiến trúc nhà cổ cấp tỉnh năm 2006.

Trong không gian văn hóa làng cổ Đông Sơn, du khách không thể bỏ qua quần thể di tích, danh thắng nổi tiếng, như: đền thờ Đệ nhị Thần hoàng Trịnh Thế Lợi, Cẩm hoa thị vệ đời Lê, người có công lập nên làng cổ Đông Sơn, khi mất được người dân chôn cất tại gò cao nhất trong làng; Chùa Phạm Thông xưa kia có tượng Phật Thích Ca bằng đồng đen; Giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi... Trong đó, đền thờ Đức thánh cả Lê Uy và Trần Khát Chân đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc