Đà Nẵng: Xây dựng “Làng văn hoá đặc trưng” ở Hòa Vang

NGỌC HÀ

VHO - Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án xây dựng “Làng văn hoá đặc trưng” thôn Phong Nam và thôn Bồ Bản (huyện Hòa Vang) với sự tham dự của nhiều người dân làng, xã 2 thôn.

 Xây dựng “Làng văn hoá đặc trưng” được xác định góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, công trình có giá trị, các phong tục, tập quán lâu đời và các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Đề án thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chính là giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, nét đẹp truyền thống. Tạo sự chuyển biến rõ nét, đột phá trong việc xây dựng các làng, thôn, khu dân cư.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, gắn với các tiêu chí “xã nông thôn mới nâng cao” và “xã nông thôn mới kiểu mẫu” cùng các yếu tố đặc trưng riêng của địa phương.

Đà Nẵng: Xây dựng “Làng văn hoá đặc trưng” ở Hòa Vang - ảnh 1
Hòa Vang (Đà Nẵng) là mảnh đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống

Thôn Phong Nam nằm ở trung tâm xã Hoà Châu, huyện Hòa Vang, có 848 hộ với gần 3.200 nhân khẩu, 10 tổ. Năm 2018, thôn Phong Nam được UBND huyện Hòa Vang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại Phong Nam còn lưu giữ một số công trình kiến trúc quan trọng như: Đình làng Phong Lệ (cũng là đình thờ Thần Nông), nhà thờ tiền hiền chư phái tộc, miếu Thái Giám… và phong cảnh làng quê truyền thống.

Thôn Bồ Bản được UBND huyện Hòa Vang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, toàn thôn có 630 hộ, 2.300 nhân khẩu, 14 tổ đoàn kết dân cư. Trong làng hiện còn nhiều đình, miếu, nhà thờ, nhà cổ.

Làng Bồ Bản có bề dày lịch sử 500 năm, ngôi đình làng là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia, được nhiều người biết đến. 

Gắn với di tích đình làng Bồ Bản là quần thể các công trình văn hoá có giá trị gồm: Miếu thần Nông; mộ tiền hiền; giếng cổ; Âm Linh Tự… Ngoài ra, có 2 cơ sở tôn giáo là chùa Phật giáo Hưng Quang và chùa Minh sư Thọ Quang.