Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ”

VHO - Bóng nắng trưa đổ dài, bầu không khí chộn rộn, hứng khởi ở Làng Văn hóa kiểu mẫu đầu tiên ở Vĩnh Phúc chuẩn bị cho ngày khai trương kề cận khiến những người khách như chúng tôi dường như cũng lây sự hào hứng. Chẳng quản đêm ngày, những người dân bình dị gác lại bận rộn mưu sinh để cùng nhau chung tay góp sức, hoàn thiện hình hài ngôi làng mà trước đây, họ có lẽ chưa từng hình dung, chưa từng nghĩ đến.

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 1

Thiết chế Văn hóa hiện đại ở Làng Văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích gp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân

 Khuôn viên rộng rãi, với hệ thống các thiết chế nhà văn hóa, thư viện, sân bóng, công viên… được đầu tư đồng bộ, hiện đại đang hiện hữu sinh động, như minh chứng rõ nét về sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, vì lợi ích cộng đồng mà tỉnh Vĩnh Phúc đang quyết liệt triển khai.

Người dân đồng thuận, hiến đất xây “Làng”

Cùng chúng tôi thả bước trên con đường bê tông sáng đẹp nằm ngay sát khuôn viên xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao của Làng Văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích (xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng làng chia sẻ cảm xúc phấn chấn, hãnh diện và cả bất ngờ. Từ khi đón nhận chủ trương xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, hệ thống chính trị vào cuộc và đặc biệt, sự hưởng ứng, trông đợi ngày hoàn thiện hình hài ngôi làng kiểu mẫu từ chính những người dân đã mang đến cho ngôi làng nhỏ thuần nông này một sinh khí, diện mạo mới mẻ, khởi sắc. Làng Văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc, trong đó có ngôi làng sẽ khai trương đầu tiên ở Thụ Ích, Liên Châu là một trong những mô hình điểm được chọn lựa, chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2.9 và 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023). Trưởng làng Thụ Ích, ông Nguyễn Văn Hồng cũng là một trong 78 gương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc sẽ được Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen tại Hội nghị tuyên dương diễn ra vào ngày 28.8.

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 2

Trưởng làng Thụ Ích, ông Nguyễn Văn Hồng cũng là một trong 78 gương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc hướng dẫn hai P.V tham quan "Làng Văn hóa kiểu mẫu"

“Khi triển khai tuyên truyền, vận động người dân, chúng tôi bất ngờ bởi sự hưởng ứng và nhiệt huyết của người dân Thụ Ích. Có lẽ chính họ cũng chưa hình dung được diện mạo, chất lượng cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào khi hệ thống thiết chế quy mô này được hoàn thành, đi vào hoạt động. Đến giờ, nhìn đường làng ngõ xóm khang trang, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đẹp đẽ, làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích đã thực sự trở thành ngôi làng hạnh phúc, nơi mang đến niềm vui, nụ cười cho mỗi người dân”, trưởng làng Nguyễn Văn Hồng bộc bạch.

Ông Hồng cũng chia sẻ, niềm vui của Thụ Ích được nhân lên nhiều lần khi mô hình Làng Văn hóa kiểu mẫu nơi đây đã trở thành điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa trong toàn quốc. “Bản thân tôi cũng rất bất ngờ, vui mừng khi đón nhận tin sẽ là cá nhân điển hình được tuyên dương, đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Niềm vui chung của làng Thụ Ích, tôi xin đại diện đón nhận”, ông Nguyễn Văn Hồng chia sẻ.

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 3

Khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi

Ông Hồng cho biết, sau khi có quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Đảng ủy xã Liên Châu đã ban hành riêng một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu. Chính quyền, chi bộ ở Làng Văn hóa Thụ Ích cũng có Nghị quyết chuyên đề về thực hiện xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. “Điều đáng mừng là chủ trương đưa ra hợp lòng dân và được đảng viên, nhân dân đồng thuận cao. Những lo lắng, băn khoăn ở thời điểm khởi động như công tác giải phóng mặt bằng, tuyên truyền vận động… nhanh chóng được tháo gỡ khi chính người dân đã đồng lòng nhất trí, tình nguyện hiến đất sở hữu chung để chuyển đổi mục đích sử dụng, hình thành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của làng”, ông Nguyễn Văn Hồng cho biết.

 Vĩnh Phúc xây dng cơ chế chính sách đồng b để phát trin văn hóa

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 4

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, cuối năm 2022, ngành Văn hóa đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành Nghị quyết 15 NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Để hiện thực hóa Nghị quyết 15, ngày 16.3.2023, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030.

Vĩnh Phúc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2030 đạt 60 “Làng Văn hóa kiểu mẫu”. Vĩnh Phúc là tỉnh đi đầu cả nước trong việc xây dựng mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu”. Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy; ở các cấp huyện, xã cũng đều Bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo các cấp họp rút kinh nghiệm hằng tuần, hằng tháng và tháo gỡ ngay các vấn đề vướng mắc.

(Ông BÙI HỒNG ĐÔ, Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc)

14/14 tiêu chí xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu đã được cán bộ và nhân dân làng Thụ Ích chung tay thực hiện. Thế mạnh là các tiêu chí về xây dựng cảnh quang môi trường sáng, xanh, sạch đẹp được phát huy, góp phần thay đổi cơ bản hạ tầng bộ mặt nông thôn. Thụ Ích cũng là ngôi làng có bề dày truyền thống văn hóa. Làng có khu di tích lịch sử văn hóa đình, chùa được xếp hạng cấp tỉnh được tôn tạo khang trang, hoạt động hiệu quả. 7 CLB gồm: CLB thơ ca, CLB chiếu chèo, CLB thể dục thể thao và 4 CLB văn thể ở 4 thôn dân cư hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc xây dựng nếp sống văn hóa ở, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh thường xuyên được duy trì, với việc tổ chức các trò chơi truyền thống; tuyên truyền hương ước, quy ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ...

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 5

Có mặt trong khuôn viên các thiết chế văn hóa hiện đại ở Làng Văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, Chủ tịch UBND xã Liên Châu Phùng Mạnh Khuyến “khoe”, khuôn viên này khi đi vào hoạt động sẽ là không gian lý tưởng để người dân trên vùng quê thuần nông này được sống một cách ý nghĩa. Ông chỉ tay về phía những bức tranh cổ động tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa đang được bày biện chỉn chu trong khuôn viên phía trước nhà văn hóa: “Trước đây, ít ai hình dung được rằng những hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú sẽ được hiện diện thường xuyên như thế trong đời sống cộng đồng. Dần dà, đây sẽ là động lực để thúc đẩy người dân tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho chính mình”.

Lãnh đạo xã Liên Châu cũng chia sẻ, chỉ sau hơn nửa năm triển khai thí điểm mô hình Làng Văn hóa kiểu mẫu, người trong cuộc cũng không hình dung hết một diện mạo tươi mới đang nhanh chóng hình thành, hiện hữu. “Hơn ai hết, từng người dân đều hiểu rõ, Làng Văn hóa kiểu mẫu là mô hình được xây dựng để phục vụ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích cho chính họ. Bởi thế mà trong những ngày này, từ đầu làng cuối xóm đều rộn ràng không khí chuẩn bị cho ngày khai trương. Những câu chuyện mà trước đây, người dân Thụ Ích chưa từng nghĩ đến, chưa từng hình dung thì hôm nay, được họ nhắc đến mỗi ngày”, ông Khuyến cho hay.

Cùng chúng tôi “mục sở thị” không gian lý tưởng ở khu trung tâm Làng Văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy nói, là huyện thuần nông, Yên Lạc không có nhiều thế mạnh về kinh tế. Nhưng chính bề dày văn hóa truyền thống, chính niềm tin và mong ước của nhân dân về môi trường văn hóa đáng sống đã chạm đến những mục tiêu lớn của chủ trương xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu mà tỉnh Vĩnh Phúc đang quyết liệt triển khai. Những đặc thù riêng đã trở thành thế mạnh để những ngôi làng nhỏ “làm giàu” cho đời sống văn hóa của mình. “Người dân ở những Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn đều đang mong mỏi sớm được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần sung túc ở chính nơi họ đã và đang gắn bó”, Phó Chủ tịch huyện Yên Lạc nhấn mạnh.

Yên Lạc có ba trong tổng số gần 200 làng được chọn xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu trong đợt 1 triển khai xây dựng mô hình này. Ngoài Làng Văn hóa Thụ Ích, hai địa chỉ còn lại là Làng Văn hóa Man Để, thị trấn Tam Hồng; Làng Văn hóa Chi Chỉ, xã Đồng Cương. “Chủ trương xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu thể hiện sự tiên phong, sáng tạo của tỉnh Vĩnh Phúc trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chúng tôi nói với người dân rằng đây là cơ hội không phải khi nào cũng có và rất mừng, chủ trương được người dân đồng thuận cao. Những thành công này sẽ tạo tiền đề nhân rộng mô hình tại nhiều ngôi làng khác”, ông Nguyễn Lê Huy chia sẻ.

Ngày 27.8, Làng Văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, ngôi làng đầu tiên “về đích” trên hành trình xây dựng mô hình Làng Văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc chính thức khai trương. Chúng tôi đang nhìn thấy hiện diện giữa ngôi làng những ánh mắt, nụ cười hạnh phúc, bởi không lâu nữa, những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân sẽ được diễn ra trong không gian lý tưởng, giàu bản sắc.

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 6

 Làng Văn hóa kiểu mẫu Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên

Những ngôi làng trong mơ

Dẫn chúng tôi tới “Làng Văn hóa kiểu mẫu” tại tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên Nguyễn Mạnh Hùng khoe, đến giờ này, đây có lẽ là mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu” có hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao lớn nhất ở Vĩnh Phúc.

Khu vực xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao của “Làng Văn hóa kiểu mẫu” tổ dân phố Trong Ngoài tại thị trấn Hương Canh rộng 19.000m2 được quy hoạch năm 2011, xây dựng năm 2012 và được tiếp tục cải tạo năm 2021. Với bốn mặt tiền rộng rãi, nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa, thể thao của “Làng Văn hóa kiểu mẫu” tổ dân phố Trong Ngoài nằm bề thế giữa khu dân cư. Ngoài nhà văn hóa với 250 - 300 chỗ ngồi, hệ thống loa đài, bàn ghế, tủ; các thiết chế thể thao ở đây gồm: Sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân cầu lông... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của 386 hộ với 1.340 khẩu.

Tận hưởng những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè, đám trẻ nhỏ hào hứng luyện tập thể thao. Gương mặt đầm đìa mồ hôi nhưng vô cùng hứng thú, tụi nhỏ nói: “Từ ngày có những dụng cụ thể thao và sân bóng, chúng cháu có nơi để vui chơi, không phải ở nhà xem ti vi hay chơi trên điện thoại nữa…”.

Cuối giờ chiều, khi nắng quái lóe lên sau những tán cây xà cừ, đám các chị, các mẹ trong thôn kéo nhau ra tập tành, múa hát dân ca, dân vũ. Tiếng nhạc rộn ràng khắp xóm. Những tiết mục sôi động khiến khách phương xa như chúng tôi không thể rời mắt.

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 7

 Làng Văn hóa kiểu mẫu tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Ca h Canh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa thể thao của 386 hộ dân và vùng lân cận

“Để có không gian rộng rãi, cơ ngơi khang trang, đường làng sáng - xanh - sạch - đẹp thế này ở các “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, ngay khi có chủ trương của tỉnh, huyện Bình Xuyên đã lập tức hưởng ứng, quyết tâm triển khai. Xây dựng “Làng Văn hóa kiểu mẫu” là cơ hội lớn, nếu không làm bây giờ thì mãi mãi đất sẽ chỉ là đất hoang. Có nằm mơ người dân cũng không tưởng tượng được có ngày những công trình hiện đại, đẹp đẽ như thế này mọc lên trên quê hương mình”, Chủ tịch huyện Bình Xuyên Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Huyện Bình Xuyên tự tin đăng ký đến năm 2030 có bảy làng được công nhận là “Làng Văn hóa kiểu mẫu”. Theo lãnh đạo huyện, hiện có nhiều làng có đủ cơ sở để đáp ứng các tiêu chí đề ra. Bên cạnh đó, các làng này còn có thể liên kết với nhau hoặc kết nối tới làng nghề gốm (tổ dân phố Lò Cang), nghề cháo se - bánh hòn, cụm di tích quốc gia đặc biệt đình Hương Canh…, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần không chỉ của người dân mà còn của du khách tới Vĩnh Phúc. Có nhiều “Làng Văn hóa kiểu mẫu” được quy hoạch công viên, vườn hoa, cây xanh, đài phun nước, thư viện, nhà để xe, phòng truyền thanh, trung tâm học tập cộng đồng; khu trưng bày sản phẩm địa phương, nhà văn hóa, sân thể thao…

Trong khi đó, “Làng Văn hóa kiểu mẫu” tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên có diện tích xây dựng nhà văn hóa, thiết chế thể thao, khu tâm linh rộng tới 15.000m2; đường làng ngõ xóm khang trang, hoa cỏ nở đầy hàng rào và những bức bích họa rực rỡ, sống động. Ông Lê Xuân Hữu, Tổ trưởng tổ dân phố Tam Quang cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai mô hình này. Rất may, người dân rất nhiệt tình ủng hộ, đóng góp ngày công để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; giữ gìn vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Về lâu dài, người dân chính là nhân tố tích cực để vận hành “Làng Văn hóa kiểu mẫu” hiệu quả, thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.

Làng Văn hóa kiểu mẫu: Chuyện ghi ở những ngôi làng “trong mơ” - Anh 8

Ông Nguyễn Khánh Hồ, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Tam Quang vui vẻ, gần đến ngày khai trương Làng Văn hóa kiểu mẫu, câu chuyện đầu làng cuối xóm của người dân Tam Quang cũng chỉ xoay quanh ngôi làng chung của mình. Từ đây, chất lượng đời sống, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần theo tinh thần Nghị quyết của Đảng được nâng cao, các sinh hoạt cộng đồng về văn hóa, thể thao có điều kiện được tổ chức thường xuyên, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi và một diện mạo cuộc sống thực sự đáng sống ở ngôi làng này.

Tổ dân phố Tam Quang chỉ có 154 hộ, 560 nhân khẩu, vì thế, để xây dựng mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu” với các thiết chế khang trang, hiện đại như hiện nay và duy trì vận hành là cả một sự cố gắng lớn. Ông Lê Xuân Hữu cho biết: “Ngoài việc được đầu tư 15 tỉ đồng để xây dựng một “Làng Văn hóa kiểu mẫu”, chúng tôi còn được hỗ trợ 100 triệu/ năm để vận hành, 30 triệu “vốn mồi” để thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao…, sau đó thì người dân tự đóng góp và kêu gọi xã hội hóa để duy trì, đẩy mạnh các hoạt động. Chúng tôi cũng phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trong các hoạt động, là trung tâm đoàn kết, tận tuỵ với công việc, hết lòng vì việc chung, vì lợi ích của người dân. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ “Làng Văn hóa kiểu mẫu” cũng được đảm bảo công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, chúng tôi gắn với việc xây dựng quy chế hoạt động của thôn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, nâng cao tính đoàn kết, dân chủ, công khai và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ dân phố”. 

PHƯƠNG ANH - THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Ý kiến bạn đọc