Xung quanh phát hiện hai thuyền cổ “kỳ lạ” ở Bắc Ninh:

Cơ sở nào khẳng định thuộc thời Âu Lạc?

NGỌC TRUNG - LÂM SƠN, đồ họa: MẠNH LÊ

VHO - Trong khi nhiều ý kiến của một số nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ bước đầu cho rằng, niên đại hai thuyền cổ tại Thuận Thành (Bắc Ninh) không thể có trước thế kỷ X và không thể sau thế kỷ XV, thì TS Nguyễn Việt lại khẳng định một cách chắc chắn rằng, nó nằm trong khung niên đại khoảng 2.400 - 1.800 năm.

Cơ sở nào khẳng định thuộc thời Âu Lạc? - ảnh 1

Việc xác định niên đại hai thuyền cổ tại Bắc Ninh là điều không hề bất ngờ đối với TS Nguyễn Việt, nhà khảo cổ học với hơn hai thập kỷ chuyên sâu nghiên cứu về tàu thuyền cổ ở Việt Nam. Theo ông, “việc định tuổi của hai thuyền này tương đối dễ bởi vì tôi làm về các tàu thuyền cổ đã 20 năm nay”. 

Những cơ sở “chắc như đinh đóng cột” 

Sau nhiều lần liên hệ qua điện thoại, cuối tuần qua chúng tôi mới có dịp trao đổi sâu với TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, người đã có những nhận định “bất ngờ” đối với giới nghiên cứu về niên đại hai thuyền cổ mới phát hiện tại Bắc Ninh, về sự khác nhau trong nhận định của giới chuyên môn, cũng như những cơ sở khoa học… 

Tại Bảo tàng khảo cổ học Tàu thuyền do chính ông sáng lập, hiện đang lưu giữ khoảng 20 thuyền cổ, trong đó 6 chiếc có đáy tương đồng với hai thuyền cổ Bắc Ninh.

Toàn bộ các thuyền này đều đã được phân tích niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ (C14) tại Đại học Quốc gia Australia, một trong những phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Những kết quả ấy, theo ông, đã được công bố rải rác trong các hội nghị khảo cổ học quốc tế từ nhiều năm qua.

Cơ sở nào khẳng định thuộc thời Âu Lạc? - ảnh 2
Một mô hình phục dựng ảo thuyền Đông Xá do Michael Deeble thuộc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thông Mới (CNMA) tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) thực hiện (Ảnh do TS Nguyễn Việt cung cấp)

“Ở Việt Nam và dường như cả Đông Nam Á, hiện nay chỉ có tôi và GS Peter Bellwood làm về khảo cổ học tàu thuyền một cách chuyên sâu”, ông Việt cho biết. Chính vì lý do đó, ông quyết định thành lập Bảo tàng khảo cổ học Tàu thuyền và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, nhằm lấp vào khoảng trống nghiên cứu vốn bị bỏ ngỏ này. 

Năm 2004, nhóm của ông đã tiến hành khai quật thuyền cổ đầu tiên thuộc kiểu Thuận Thành tại Động Xá (Hưng Yên), vốn là một phần của quan tài cổ.

Phát hiện này ngay sau đó được công bố trên tạp chí quốc tế Nautical Archaeology năm 2006, một tạp chí chuyên sâu hàng đầu về khảo cổ học hàng hải, nhưng hầu như chưa được giới nghiên cứu trong nước biết đến.

Điểm nổi bật trong các thuyền này là kỹ thuật ghép ván vào thân cây độc mộc bằng hệ thống mộng, chốt gỗ. Mỗi bên mạn thuyền có các lỗ mộng cách nhau khoảng 27-28cm, sâu 7-8cm, rộng 5-6cm. Các ván ghép phía trên cũng có lỗ tương ứng, được liên kết bằng miếng gỗ lưỡi (tenon), sau đó cố định bằng chốt gỗ xuyên suốt.

Cơ sở nào khẳng định thuộc thời Âu Lạc? - ảnh 3
Kỹ thuật mộng chốt ngoàm (locked mortise and tenon joints) được biết sớm nhất trong thế giới La Mã cổ đại bên bờ Địa Trung Hải

“Thành thuyền khi ghép ván vào có cả một dãy mộng liên hoàn như thế. Kỹ thuật này tưởng chỉ có ở Địa Trung Hải (kỹ thuật mộng chốt ngoàm - locked mortise and tenon joints) nhưng chúng tôi đã tìm thấy ở Việt Nam. Khi GS Peter Bellwood, một chuyên gia về tiền sử Địa Trung Hải, nhìn thấy thuyền Động Xá, ông ấy ngạc nhiên và lập tức cùng tôi công bố phát hiện này ra toàn thế giới”, TS Nguyễn Việt kể. 

Một điểm thú vị là ở mộ thuyền Động Xá không tìm thấy ván, bởi vì đó là một chiếc thuyền hỏng được cắt ra làm quan tài. Tuy nhiên, cũng trong năm 2004, tại khu mộ Yên Bắc (Hưng Yên), cách Động Xá chỉ một dòng sông, nhóm của ông đã khai quật được hệ thống ván mạn thuyền, được tái sử dụng để dựng nhà mồ.

“Đáy thuyền độc mộc dùng làm quan tài, còn phần mái là khoảng mười tấm ván, một minh chứng rõ nét cho việc người Việt cổ đã biết kết hợp độc mộc và ván để nâng chiều cao thuyền”, ông cho biết.

Thậm chí, trên mạn ván còn phát hiện mảnh khuyết hình bán nguyệt, dấu vết cho thấy có thể lắp thêm thanh tre hoặc vật nổi phụ trợ, giống như kỹ thuật đóng thuyền hai thân trong văn hóa Châu Đại Dương. Mẫu hình thuyền này, theo TS Nguyễn Việt, từng phổ biến từ thời Đông Sơn và xuất hiện cả trong nền văn hóa Chămpa về sau. 

Vì sao người Việt cổ cần thuyền hai thân? 

Thuyền độc mộc chỉ thích hợp với sông tuyến dọc, ít sóng ngang. Khi gặp sóng ngang, thuyền dễ bị lật. Do đó, người cổ đại đã sáng tạo bằng cách gắn thêm phao hai bên, hoặc kết nối hai thuyền với nhau để tạo thành kết cấu ổn định.

Chính chi tiết “thanh nối chắc chắn ở đầu” hai thuyền cổ ở Thuận Thành (Bắc Ninh) là điểm khiến ông Nguyễn Việt nhận ra: Đây là một hệ phao nổi mang tính nghi lễ, chứ không phải phương tiện vận tải thông thường. 

“Nguyên xi mà thả xuống nước thì hai thuyền ấy không đi được”, ông Việt nhấn mạnh. “Hai thuyền cổ tại Thuận Thành (Bắc Ninh) không có hệ thống điều hướng, không lỗ cắm cọc chèo, không vị trí đặt cột buồm như các thuyền chúng tôi đã khai quật tại Bình Châu, Quảng Ngãi, có niên đại thế kỷ XIII. Ban đầu, tôi cũng đoán định niên đại hai thuyền cổ vừa được phát hiện tại Thuận Thành là thời Lý - Trần, nhưng sau khi khảo sát trực tiếp, phát hiện hệ thống mộng, kỹ thuật ghép thuyền độc mộc và ván, tôi phải thừa nhận mình đã sai và sửa sai ngay tại hội thảo “đầu bờ”", ông Nguyễn Việt nói.

Cơ sở nào khẳng định thuộc thời Âu Lạc? - ảnh 4
Mảnh gốm tìm thấy ở đáy khoang

Đối với nhận định ban đầu về thuyền hai đáy hay thuyền hai lòng, ông Việt cho rằng đừng quá “lạm dụng từ ngữ trong thư tịch cổ”. “Thực ra thuyền hai đáy là thuyền quân sự mà tôi đã phục chế. Đây là loại thuyền chuyên dùng để đánh hoả công, gồm một khung thuyền giả to (thuyền mẹ) bọc ngoài, ở phía trước một chiếc thuyền thật nhỏ hơn (thuyền con). Trên khung thuyền to, người ta chất củi lửa và thuốc cháy, mũi thuyền có những đinh nhọn. Khi đánh địch, người ngồi núp trong thuyền nhỏ chèo thật nhanh, lao thật mạnh vào thuyền đối phương khiến cho những đinh sắt nhọn ở mũi khung thuyền giả cắm vào mạn thuyền đối phương. Sau đó người ta đốt chất cháy trên thuyền giả đó rồi rút thuyền con khỏi khung thuyền to chạy về. Thuyền giả cháy sẽ đốt luôn thuyền đối phương”, ông cho biết. 

Theo suy nghĩ của tôi, tôi ngờ rằng hai thuyền cổ phát hiện tại Thuận Thành có cấu trúc mang tính lễ nghi. Lễ nghi thì thời Đông Sơn có rất nhiều kiểu lễ nghi. Tôi cũng nghĩ rằng, sự phát triển của kỹ thuật hoặc dấu hiệu này có thể liên quan nghi lễ diễn ra thời Âu Lạc và Hai Bà Trưng. 

Hai thuyền cổ tại Thuận Thành (Bắc Ninh) không có hệ thống điều hướng, không lỗ cắm cọc chèo, không vị trí đặt cột buồm như các thuyền chúng tôi đã khai quật tại Bình Châu, Quảng Ngãi, có niên đại thế kỷ XIII. 

Ban đầu, tôi cũng đoán định niên đại hai thuyền cổ vừa được phát hiện tại Thuận Thành là thời Lý - Trần, nhưng sau khi khảo sát trực tiếp, phát hiện hệ thống mộng, kỹ thuật ghép thuyền độc mộc và ván, tôi phải thừa nhận mình đã sai và sửa sai ngay tại hội thảo đầu bờ. 

TS NGUYỄN VIỆT

Không chỉ dựa vào kỹ thuật đóng thuyền, TS Nguyễn Việt còn dựa vào phát hiện sinh học và hiện vật để củng cố nhận định. “Trong các mộ thuyền trước đây, chúng tôi từng phát hiện hạt vải, nhãn, củ ấu, hạt bàng, điều trùng hợp với hạt quả tìm thấy thuyền cổ ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Còn về hiện vật, nhiều người nói không có trong lòng thuyền cổ Thuận Thành, nhưng trên bàn bày hiện vật khảo cổ xuất hiện một túi nhỏ có ghi chú rõ ràng phát hiện ở đáy thuyền, trong đó có mảnh gốm nguyên xi”.

Theo TS Nguyễn Việt, đó chính là mảnh gốm tương đồng với gốm phát hiện được ở di chỉ khảo cổ Làng Cả (TP Việt Trì, Phú Thọ), xuất hiện khoảng thế kỷ 2-3 TCN, thuộc về vùng Phong Châu - Văn Lang, cái nôi của nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

“Theo suy nghĩ của tôi, tôi ngờ rằng hai thuyền cổ phát hiện tại Thuận Thành có cấu trúc mang tính lễ nghi. Lễ nghi thì thời Đông Sơn có rất nhiều kiểu lễ nghi. Tôi cũng nghĩ rằng, sự phát triển của kỹ thuật hoặc dấu hiệu này có thể liên quan nghi lễ diễn ra thời Âu Lạc và Hai Bà Trưng”, TS Nguyễn Việt nhận định. 

“Kỹ thuật thuyền độc mộc ghép ván này chỉ xuất hiện trong khoảng 2.400 - 1.800 năm. Trước đó chưa thấy, sau đó không còn”, ông Nguyễn Việt khẳng định. Với 22 thuyền cổ đã được ông trục vớt, lưu giữ và nghiên cứu, ông cho rằng đã đủ bằng chứng để xác định, người Việt cổ có truyền thống kỹ thuật đóng thuyền riêng biệt, đáng để được nhìn nhận đúng tầm vóc trong lịch sử kỹ thuật nhân loại.

(Còn tiếp)