Công tác văn hóa - văn nghệ trong thời đại mới:

Chú trọng phối hợp, nâng cao năng lực quản lý

THÚY HIỀN

VHO - Hội nghị giao ban đánh giá công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội đã ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Sự khởi sắc thể hiện rõ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến quản lý và điều hành…

 Bên cạnh những thành tựu nổi bật, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc còn tồn tại. Đồng thời, Hội nghị đã đề xuất giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác văn hóa - văn nghệ trong thời gian tới, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Chú trọng phối hợp, nâng cao năng lực quản lý - ảnh 1
Tiết mục nghệ thuật tại Lễ công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật được nghiệm thu tại Cuộc phát động sáng tác với chủ đề “Sống mãi với thời gian”

Khó khăn do thiếu nguồn lực và rào cản cơ chế

Tại Hội nghị, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề thủ tục và hướng dẫn triển khai Chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 8.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: Các Hội văn học nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ, dẫn đến khó khăn trong hoạt động thực tế. NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng: Các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp đều gặp khó khăn do chưa được cấp kinh phí, dẫn đến việc trao giải thưởng năm 2024 bị chậm trễ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý các thông tin, sản phẩm phản văn hóa, phi thẩm mỹ trên không gian mạng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều tác phẩm nhảm nhí, khai thác yếu tố tính dục, bạo lực như công cụ câu khách, đi ngược lại với các giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc, vẫn tiếp tục xuất hiện. Tình trạng “nhạc chế” lan tràn trên không gian mạng, đặc biệt là xu hướng “búp măng non”, đã làm biến tướng và lệch lạc tính tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ của các ca khúc dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Một số văn nghệ sĩ chưa đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, vi phạm các quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, trong việc sử dụng mạng xã hội, phát ngôn thiếu trách nhiệm, sử dụng trang phục biểu diễn không phù hợp... Một số trường hợp đã vi phạm pháp luật, sa vào vòng lao lý, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đã được hoàn thiện cơ bản, nhưng vẫn còn thiếu sót; không ít lĩnh vực còn chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh (như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, văn học...) và một số chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ đã bất cập nhưng chậm được sửa đổi.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Tôi rất băn khoăn về nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là vấn đề nhân lực - thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Cũng cần lưu ý đến vấn đề ngoại lệ văn hóa khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực này. Vấn đề phải được tính toán qua các văn bản và cần được quan tâm giải quyết trong năm 2025 và các năm tới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ VHTTDL, như Cục Bản quyền tác giả và Thanh tra Bộ VHTTDL, đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành cần tăng cường phối hợp trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bản quyền và sửa đổi các nghị định. Những góp ý và sự phối hợp này liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của hội viên.

Nâng cao năng lực quản lý văn hóa - văn nghệ trong tình hình mới

Kết luận tại Hội nghị giao ban đánh giá công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai yêu cầu các Ban, Bộ, ngành liên quan, Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các tổ chức Hội tiếp tục tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL trong công tác văn hóa, văn nghệ. Các cơ quan này cần tập trung vào tình hình tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ, đồng thời chú trọng xử lý và định hướng dư luận xã hội đối với các vấn đề, hoạt động, hiện tượng, xu hướng văn hóa - văn nghệ quan trọng, phức tạp và nhạy cảm.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai nhấn mạnh: Cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong năm 2025, bảo đảm hiệu quả và thiết thực. Đồng thời, cần đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng. Liên hiệp và các Hội chuyên ngành Trung ương tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và quy định của Đảng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành và địa phương để tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, phấn đấu sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, hướng tới kỷ niệm 100 năm của đất nước và Đảng.

Bà Đinh Thị Mai đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan trong việc thẩm định và chỉ đạo các hoạt động văn hóa - văn nghệ trong năm 2025. Cụ thể, Bộ cần tham gia xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Các tỉnh, thành phố cần rà soát việc cấp phép các chương trình văn hóa nghệ thuật lớn và thẩm định các nội dung chính trị tư tưởng để đảm bảo chất lượng nghệ thuật cũng như giá trị nội dung.

Liên hiệp và các hội chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, động viên và khuyến khích họ sáng tạo và quảng bá những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Trước yêu cầu mới, công tác văn hóa - văn nghệ cần đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học nghệ thuật để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hoạt động tích cực và hiệu quả. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ cần bám sát thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của đất nước, với sự chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan quản lý để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc