Quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng:
Cho phép người sử dụng từ chối quảng cáo không phù hợp
VHO - Hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển là thực trạng tràn lan vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như tạo bức xúc với người tiêu dùng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm lấp khoảng trống này.
Hiệu quả quản lý chưa cao
Thực tế cho thấy, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống, bao gồm quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng-rôn, báo in, báo nói, báo hình… sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…
Trong bối cảnh mới, với nhiều lợi thế về công nghệ, lượng người sử dụng ngày càng gia tăng, nhiều nền tảng xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook, TikTok… đang chiếm ưu thế trong thị phần hoạt động quảng cáo so với các hình thức truyền thống.
Tuy nhiên, kéo theo đó là nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ.
Trong khi đó, Luật Quảng cáo chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Cùng với đó, một số quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng (báo điện tử, trang thông tin điện tử…) tại Luật Quảng cáo hiện hành cũng đã không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin.
Cụ thể như: không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây, dẫn đến tình trạng các trang thông tin điện tử và báo điện tử không thể tối ưu lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo để duy trì hoạt động.
Đưa quảng cáo trên môi trường mạng vào khuôn khổ
Để quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, Dự thảo Luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng: sửa đổi, bổ sung Điều 23 về quảng cáo trên mạng, bao gồm quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để người tiếp nhận xác định là quảng cáo và phân biệt với các thông tin không phải quảng cáo.
Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, người phát hành quảng cáo, người cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng Internet phải thiết kế tính năng để người sử dụng có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp nhau với tổng thời gian không quá 07 giây.
Cho phép người sử dụng được từ chối quảng cáo hoặc báo vi phạm với quảng cáo có nội dung không phù hợp.
Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin điện tử khác thì nội dung của trang thông tin điện tử được dẫn đến tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; cơ quan tiếp nhận thông tin thông báo. Đồng thời, bổ sung khoản 15 vào Điều 2 của Luật Quảng cáo hiện hành về định nghĩa Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Nhìn lại 12 năm triển khai kể từ khi Luật Quảng cáo năm 2012 được ban hành, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do.
Hoạt động quảng cáo phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hiện nay, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày càng khẳng định vị trí trong hoạt động doanh nghiệp của cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng… để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Khá phổ biến hiện nay là việc xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.
Cùng với việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, còn là thực trạng nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn nội dung xấu độc, sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền...
Bởi vậy, theo các chuyên gia, nhà quản lý, trong bối cảnh hoạt động quảng cáo trên mạng đang dần trở thành một xu thế tất yếu, dự thảo Luật bổ sung những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng là điều rất cần thiết. Hàng lang pháp lý chặt chẽ không chỉ khắc phục khoảng trống lâu nay mà còn là barie hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, góp phần đưa hoạt động quảng cáo trên mạng dần đi vào nề nếp.