Cần chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên

VHO- Thẳng thắn và đầy trách nhiệm, các ý kiến trao đổi tại Hội nghị Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành đã làm rõ những vấn đề nhức nhối còn tồn tại của văn hóa học đường như bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục, thậm chí xâm hại tình dục học sinh, mua bán, đổi chác điểm…

Cần chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông

 Những người đứng đầu các Bộ, ngành, cơ quan có trách nhiệm đã nêu ra những giải pháp cụ thể nhằm tạo nên những “bức tường” để khắc phục biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa học đường. 
Khắc phục những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa học đường 
Đánh giá về những bất cập còn tồn tại của văn hóa học đường, chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: “Thực tiễn cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp. Ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để”. 
Theo ông Trần Thanh Mẫn, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện 6 nội dung trọng tâm. Trong đó ông nhấn mạnh, ngành giáo dục phải phát huy vai trò quan trọng của nhà trường để tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng… 
PGS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư chia sẻ: “Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của văn hóa học đường. Tình trạng bạo lực học đường, mua bán, sử dụng chất cấm trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất; văn hóa dạy và học biến dạng, xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc” của học sinh, sinh viên và phụ huynh, tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên và trước hôn nhân của học sinh, sinh viên, tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… thực sự là những “điểm nóng”, gây bức xúc trong dư luận xã hội”. 

Cần chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên - Anh 2

 Toàn cảnh Hội nghị

Văn hóa học đường với thế hệ trẻ 
Không chỉ học sinh, sinh viên thiếu văn hóa giao tiếp trong nhà trường mà một số thầy cô giáo cũng chưa đúng mực trong hành xử, tạo nên sự rạn nứt, đổ vỡ trong quan hệ thầy trò, gây bất bình trong xã hội. Thời gian gần đây, những vụ việc như thầy giáo thể dục hành hung học sinh, giáo viên để lộ hình ảnh “nóng” trong buổi tập huấn trực tuyến; những tin nhắn nhạy cảm với người đã có vợ của cô giáo mầm non Thái Bình… khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo lắng và đặt ra vấn đề xuống cấp, lệch chuẩn đạo đức của bộ phận nhà giáo. 
“Ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn, do đó yêu cầu phải có sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội nhận định. Ông Vinh đề nghị nhà quản lý giáo dục cần chỉ đạo xây dựng các quy định, quy chế, quy tắc ứng xử trong trường học. Đối với giáo viên, trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, người thầy luôn được xã hội ghi nhận, tôn vinh, coi là tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lối sống… Đối với học sinh, sinh viên phải được bồi dưỡng, rèn luyện trong các giờ học, các hoạt động của nhà trường để hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách... bắt đầu từ những việc nhỏ hằng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc. 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định: “Trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin qua Internet, sự du nhập của các trào lưu, quan niệm sống lai căng… với những sản phẩm mang danh văn hóa, một bộ phận thanh niên, thiếu niên, trong đó có sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã chạy theo lối sống thực dụng, xa lạ với các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, vô tổ chức, vô kỷ luật, thiếu ý chí vươn lên”. Thứ trưởng cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chỉ tập trung vào việc dạy tri thức, kỹ năng mà ít chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, tích cực cho học sinh, sinh viên. Đại diện cho Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã đề xuất các nhiệm vụ trong việc xây dựng văn hóa học đường. Bộ VHTTDL cũng đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, đặc biệt là chỉ đạo, hướng dẫn tới các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTTDL thực hiện… 
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận vai trò quan trọng của ngành giáo dục đối với việc xây dựng văn hóa học đường. Bộ trưởng cũng cho rằng để xây dựng văn hóa học đường, ông Sơn cho rằng không chỉ phó thác trách nhiệm của nhà trường, các nhà giáo mà cần sự chung tay của toàn xã hội. “Mỗi người lớn cần phải là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi một phụ huynh cần phải là một tấm gương lương thiện cho con em noi theo. Mỗi một thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng, đẹp cho học trò. Không thể chỉ phó thác cho một số thầy cô làm gương. Bởi có thể trong nhà trường, các thầy cô làm gương tốt, nhưng ra khỏi cổng trường, các em lại gặp đầy rẫy những gương xấu thì hiệu quả của giáo dục cũng trở nên mong manh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. 

Trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin qua Internet, sự du nhập của các trào lưu, quan niệm sống lai căng… với những sản phẩm mang danh văn hóa, một bộ phận thanh niên, thiếu niên, trong đó có sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã chạy theo lối sống thực dụng, xa lạ với các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, vô tổ chức, vô kỷ luật, thiếu ý chí vươn lên… Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chỉ tập trung vào việc dạy tri thức, kỹ năng mà ít chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, tích cực cho học sinh, sinh viên.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG) 

THUÝ HIỀN; ảnh: THANH TÙNG

Ý kiến bạn đọc