Bế mạc tập huấn nghiệp vụ đạo diễn sân khấu truyền thống

BÌNH THỦY

VHO - Ngày 28.6, tại tỉnh Khánh Hoà, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTT tỉnh Khánh Hoà bế mạc khóa tập huấn nghiệp vụ đạo diễn sân khấu truyền thống. Chương trình được tổ chức từ ngày 25-28.6.2024.

Bế mạc tập huấn nghiệp vụ đạo diễn sân khấu truyền thống - ảnh 1

Các học viên được trao chứng nhận hoàn thành tập huấn

Tham dự tập huấn có hơn 100 học viên là cán bộ làm công tác nghiệp vụ, cộng tác viên trong hệ thống Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thuộc các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã; hội viên Hội Văn học nghệ thuật và các diễn viên, đạo diễn của Đoàn nghệ thuật trên toàn quốc.

Chương trình tập huấn với mong muốn giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc,đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của những cán bộ làm công tác văn hoá tại các địa phương.

Theo BTC, chương trình tập huấn lần này với nhiều điểm nhấn, tổ chức theo hướng mở, các chuyên đề được chuẩn bị công phu, phù hợp như: Phương pháp sáng tạo kịch bản văn học cho các loại hình nghệ thuật sân khấu; phương pháp truyền tải kỹ năng biểu diễn cho diễn viên; kỹ năng đạo diễn tác phẩm cho các loại hình nghệ thuật sân khấu; sáng tạo trong làm việc nhóm. Qua đó, nâng cao chất lượng sáng tạo, đạo diễn và biểu diễn dàn dựng thực tế trên sân khấu.

Thông qua các bài giảng, giảng viên đã sẻ chia, trao truyền những kinh nghiệm quý nhất được đúc kết, đặc biệt để truyền thêm ngọn lửa yêu nghề cho các thế hệ đàn em.

Ngay tại lớp học, những đề cương, trích đoạn tiểu phẩm, trực tiếp dàn dựng thực tế trên sân khấu và cùng trao đổi, thảo luận, thực hành theo nhóm.

BTC cho biết đánh giá cao tinh thần học tập của học viên. Nhiều học viên nghiêm túc học tập, chủ động trong trao đổi, thảo luận, trách nhiệm trong việc tham gia diễn xuất, biên đạo, đạo diễn chương trình báo cáo.

Từ những tâm huyết này, nhiều tiểu phẩm, kịch bản được học viên xây dựng đã được giảng viên trực tiếp hướng dẫn, góp ý, xây dựng tình huống độc đáo, tạo sự ước lệ hay kịch tính của kịch bản sân khấu truyền thống.

Có thể nói, với những kiến thức, kỹ năng đã được lĩnh hội, khi trở về cơ quan, đơn vị, các học viên sẽ đưa vào tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở, làm phong phú thêm hoạt động nghệ thuật sân khấu không chuyên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, phục vụ đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.