Bảo tồn, phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn và các Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung

THU HOÀI

VHO - Nhiều vấn đề về phát triển bền vững văn hóa và di sản trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa, bảo vệ di sản gắn với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường… được thảo luận tại Hội thảo khoa học “Khu đền tháp Mỹ Sơn và các Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung: Trữ lượng và viễn cảnh” diễn ra vào cuối tuần qua tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Hội thảo do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tổ chức, được xem là diễn đàn học thuật kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, giáo dục, doanh nghiệp miền Trung đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm phát huy di sản hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững.

Nhận diện những thách thức

Các ý kiến trao đổi đã tập trung làm rõ các đánh giá khoa học liên quan đến thực trạng phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) ở miền Trung, những khó khăn, thách thức và biện pháp giải quyết phù hợp, đảm bảo di sản được bảo vệ theo đúng cam kết với UNESCO và đồng thời tạo ra ảnh hưởng tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và gợi mở viễn cảnh tương lai cho hoạt động bảo tồn và phát huy tối đa giá trị DSVHTG ở miền Trung nói chung và Khu Đền tháp Mỹ Sơn nói riêng.

Bảo tồn, phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn và các Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung - ảnh 1
Nhiều nhóm đền tháp Mỹ Sơn đã được trùng tu, hồi sinh thông qua các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2003 – 2013, từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Ý, Chính phủ Việt Nam và UNESCO đã tập trung bảo tồn nhóm tháp G tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng. Giai đoạn 2016 - 2022 Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ bảo tồn 3 nhóm tháp A, K, H với gần 60 tỉ đồng

Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp – Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, những năm qua, Khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế cũng như các DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh không chỉ được gìn giữ một cách thận trọng mà còn trở thành động lực thúc đẩy văn hóa, du lịch, kinh tế - xã hội ở các địa phương phát triển.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHTG tại miền Trung đang đứng trước nhiều thách thức, từ tác động của biến đổi khí hậu, áp lực phát triển du lịch, đến những vấn đề trong quản lý, liên kết vùng, chuyển đổi số, quy hoạch... Vì vậy, cần nhận diện thẳng thắn những hạn chế, vướng mắc, đề ra giải pháp tháo gỡ để Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như các di sản khác phát triển bền vững hơn thời gian tới.

Với Khu đền tháp Mỹ Sơn, 25 năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Mỹ Sơn đã đạt được những thành tựu quý giá, hội nhập vào xu hướng bảo vệ di sản của thế giới, đặc biệt là thực thi Công ước UNESCO 2003.

Quá trình này thúc đẩy mở rộng hợp tác giữa Mỹ Sơn và các tổ chức quốc tế, nâng tầm giá trị DSVH Mỹ Sơn trở thành mẫu hình di sản của khu vực và tài sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc quý báu của nhân loại.

Bảo tồn, phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn và các Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung - ảnh 2
Sau 25 năm Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là DSVHTG, 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, ngành du lịch Hội An đã có những bước phát triển vượt bậc với những con số về lượng khách du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh

Với DSVHTG Hội An, nhiều ý kiến tại hội thảo đánh giá cao việc Hội An chủ động triển khai khá tốt việc kết nối DSVHTG Khu phố cổ Hội An với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống, khu sinh thái ven sông,... trong phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Hội An cũng chú trọng đầu tư triển khai mạnh mẽ, hiệu quả cho công tác truyền thông, giáo dục, bảo tàng, triển lãm, quảng bá về giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch di sản của thành phố Hội An thời gian qua vẫn còn thiếu tính bền vững, sự gắn kết, tương hỗ trong phát triển giữa các ngành kinh tế gắn với ngành du lịch còn khá thấp. Tính lan tỏa, kết nối trong phát triển du lịch di sản với các vùng phụ cận còn hạn chế. Di sản này cũng đối diện với những hạn chế về môi trường du lịch, trật tự đô thị, trật tự kinh doanh, môi trường văn hóa, vấn đề bảo vệ di sản tại các điểm đến,… cần nhanh chóng khắc phục.

Những gợi mở hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Các ý kiến tại hội thảo cũng đặt ra những vấn đề gợi mở, thảo luận, đóng góp thiết thực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các DSVHTG ở miền Trung nói chung và Khu Đền tháp Mỹ Sơn nói riêng.

Với Hội An, câu hỏi được đặt ra để cùng trao đổi là trước áp lực từ quá trình phát triển “nóng” và những thách thức mới trong giai đoạn hậu Covid-19, Hội An cần làm gì để phát triển du lịch di sản một cách bền vững, trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên – những tài sản quý báu của nhân loại.

Ông Nguyễn Công Khiết – Giám đốc Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn cho rằng, Mỹ Sơn là điểm tham quan không phải là một khu du lịch nên khó có thể thỏa mãn các nhu cầu dịch vụ, giải trí cho du khách.

Xuất phát điểm của Mỹ Sơn khác Hội An, Mỹ Sơn là thánh địa của người Chăm là nơi thờ phụng thần linh gắn liền với tầng lớp tu sĩ Bà la môn nên cũng hạn chế một số dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống... không phù hợp. Mỹ Sơn cố gắng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản một cách hài hòa, không quá nặng về nguồn thu, nhưng không có nghĩa thiếu đầu tư phục vụ du khách.

Bảo tồn, phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn và các Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung - ảnh 3
Ngoài ra, Mỹ Sơn cũng quan tâm đến đầu tư hạ tầng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ du khách

Theo ông Khiết, để đạt được các mục tiêu đề ra, Mỹ Sơn đã và đang tập trung cho nguồn nhân lực và vật lực. Trong đó, nguồn vật lực trở thành yếu tố mấu chốt trong công tác bảo tồn. Đảm bảo nguyên tắc bảo tồn là nghiêm ngặt, phát huy là khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế phù hợp để tạo nguồn lực duy trì bảo tồn, hướng đến cộng đồng cùng hưởng lợi, đảm bảo di sản được bảo vệ theo đúng cam kết với UNESCO, đồng thời, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội.

Bảo tồn, phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn và các Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung - ảnh 4
Biểu diễn nghệ thuật Chăm tại Khu đền tháp Mỹ Sơn; Ảnh:BQLMS

Hội thảo cũng đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề về phát triển bền vững về văn hóa và di sản trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa, các động thái liên kết phát triển du lịch bền vững và các biện pháp, xu hướng mới cập nhật về bảo vệ di sản hiện nay.

“Với tầm nhìn dài hạn, xu hướng phát triển bền vững về văn hóa và di sản, bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa khuyến khích bảo vệ di sản gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, cần đến quy hoạch và chiến lược phù hợp, đột phá, sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng địa phương, du khách, doanh nghiệp và các bên liên quan. Đồng thời, phải tiếp tục đảm bảo thực thi đầy đủ các cam kết với UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị di sản”, TS.Hoàng Hồng Hiệp nhấn mạnh.