Nhân rộng mô hình điểm trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở:
Bảo tồn bản sắc, tạo điểm đến hấp dẫn
VHO - Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã có những điểm sáng của ngành VHTTDL trong thời gian qua. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo đã tạo nên luồng sinh khí mới trong đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều vùng miền.
Những môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp cũng đã tạo nên những động lực tích cực, thôi thúc mọi người dân cùng chung tay vun đắp, tạo dựng không gian sống lý tưởng cho chính mình.
Bảo vệ và phát huy những giá trị hồn cốt
Đánh giá từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, việc xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về môi trường văn hóa cơ sở thời gian qua đã góp phần quan trọng trong bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa hồn cốt, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Tại những địa chỉ này, đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng được nâng cao, các thiết chế văn hóa cơ sở được phát huy hiệu quả…
Một số điển hình như mô hình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường (xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình); CLB dân ca, dân vũ và hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ); tại huyện Quang Bình (Hà Giang), mô hình điểm về giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được triển khai gắn liền với phong trào TDĐKXDĐSVH… Không chỉ làm sống dậy, trao truyền các giá trị văn hóa đặc sắc, những mô hình điểm còn tạo động lực thúc đẩy tinh thần đoàn kết và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn, bản được chú trọng phát triển, đi đôi với hoạt động truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Ngày càng nhiều mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tiêu biểu như mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại xóm 7 xã Xuân Tân (huyện Xuân Trường, Nam Định), một địa chỉ đào tạo nhạc cụ truyền thống; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong trường học tại Cần Thơ; mô hình khôi phục, bảo tồn trang phục dân tộc La Chí tại xã Nậm Khánh (huyện Bắc Hà, Lào Cai)…
Các mô hình tiêu biểu về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như mô hình xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng ở Hòa Bình; mô hình thực hiện số hóa thông tin di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca Tài tử tại An Giang; mô hình xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc… Nhiều mô hình về đẩy mạnh, phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT như CLB Đờn ca tài tử tại Bạc Liêu; hát Chèo tại thôn Vũ Nữ (xã Hợp Hưng, Vụ Bản, Nam Định); mô hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT thường xuyên tại các xã An Lâm, Phú Điền (huyện Nam Sách, Hải Dương); mô hình Làng Văn hóa tiêu biểu ở các huyện Yên Thành, Thanh Chương, TP Vinh (Nghệ An)… Bên cạnh đó là mô hình về xây dựng bộ quy tắc ứng xử; mô hình vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; mô hình phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài; mô hình về xây dựng CLB sở thích… Đây là những mô hình hạt nhân, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở mọi vùng, miền.
Nổi bật ở những mô hình điểm là sự chủ động của nhân dân trong xây dựng các tiêu chí môi trường văn hóa cơ sở. Đơn cử, ở các làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc, mô hình những ngôi làng tạo không gian sống lý tưởng đã được người dân đồng tình, hưởng ứng, hiến đất, chung tay xây dựng. Đến nay, mô hình làng văn hóa kiểu mẫu đã tạo nên luồng sinh khí mới đầy sức sống, nơi những giá trị truyền thống được phát huy, những yếu tố sáng tạo mới được chọn lọc, thẩm thấu phù hợp.
Nhân rộng và lan tỏa
Với những giá trị nền tảng, cốt lõi, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã được ngành văn hóa và nhiều địa phương xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Không chỉ bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, đây còn là những mô hình hạt nhân gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Sự lan tỏa từ các mô hình tiêu biểu không chỉ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nguồn lực xã hội hóa. Nhiều mô hình đã trở thành điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực.
Niềm tự hào của người dân cũng chính là động lực để truyền lửa, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Như tại xã ven đô Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội), đời sống văn hóa tinh thần sôi động, với không gian hội tụ các giá trị văn hóa đã tạo nên môi trường lý tưởng cho cộng đồng. Mô hình này không chỉ được hình thành từ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương mà còn do chính những người dân chung tay xây dựng. Tại Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn Khu dân cư Thăng Long, xã Hải Bối, người dân có cơ hội thụ hưởng những tiện ích hiện đại từ các thiết chế VHTT như thư viện, sân cầu lông, bóng bàn…
Tại các làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc, khách phương xa cũng nhận thấy niềm tự hào của người dân về những nơi đáng sống dành cho cộng đồng. Đó là những mô hình phát triển đồng bộ, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc… Bảo tồn, phát huy di sản Bài chòi tại TP Quy Nhơn (Bình Định) thời gian qua cũng là mô hình tích cực phục vụ các hoạt động chính trị của địa phương, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách. Đây cũng là mô hình góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nâng cao hiệu quả giáo dục, rèn luyện nhân cách, lối sống cho mọi người; là sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ phát triển du lịch.
Từ những kết quả đạt được, nhiều địa phương tiếp tục nhân rộng những mô hình văn hóa tiêu biểu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đáp ứng các yêu cầu, định hướng chiến lược, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Điển hình như tại Vĩnh Phúc, những ngôi làng văn hóa kiểu mẫu tiếp tục được nhân rộng, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt được 60 làng Văn hóa kiểu mẫu. Nhiều mô hình có giá trị nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng, thực hiện các quy tắc ứng xử văn minh cũng được chú trọng, thúc đẩy sự phát triển, đơn cử như một số mô hình trên địa bàn TP Hà Nội như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ”; mô hình văn hóa “Chào, khoanh tay, mỉm cười, cúi chào” trong nhà trường; mô hình tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; mô hình Chủ nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em…
Tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” đã được toàn ngành văn hóa triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy việc đấu tranh, bài trừ văn hóa độc hại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong đời sống cộng đồng ở mọi vùng miền đất nước.
Với những giá trị nền tảng, cốt lõi, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã được ngành văn hóa và nhiều địa phương xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Không chỉ bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, đây còn là những mô hình hạt nhân gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Sự lan tỏa từ các mô hình tiêu biểu không chỉ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nguồn lực xã hội hóa. Nhiều mô hình đã trở thành điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực.