Chia sẻ những mô hình hiệu quả xây dựng môi trường văn hoá cơ sở
VHO – Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và TDTT; phát động và duy trì phong trào khuyến học, khuyến tài… là những mô hình đã được nhiều địa phương chú trọng quan tâm, triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả tốt.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Cán bộ Văn hóa toàn quốc năm 2023
Đó là những thông tin được Sở VHTTDL các tỉnh đưa ra tại Hội nghị Cán bộ Văn hóa toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL tổ chức diễn ra sáng nay 28.8 tại Hà Nội. Các báo cáo tại Hội nghị một lần nữa cho thấy nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa và sự phối hợp liên ngành ở các cấp đã có những bước chuyển biến tích cực.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch là mô hình đã được nhiều địa phương chú trọng quan tâm, triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả tốt. Trong đó, có thể kể đến Yên Bái, là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ khu vực Tây Bắc, nơi hội tụ của hơn 30 dân tộc với những sắc thái văn hóa đa dạng, độc đáo hòa quyện, đan xen lẫn nhau đã tạo nên một vùng văn hóa đa sắc màu "nơi hội tụ sắc màu văn hóa Tây Bắc". Trải qua quá trình lịch sử, các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã sáng tạo và gìn giữ kho tàng di sản văn hóa quý báu với nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc.
Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, đề án, trong đó tỉnh đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ có trọng điểm dự án về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
“Việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số theo phương châm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể các hoạt động, xây dựng và nhân rộng các đội văn nghệ bảo tồn phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số để biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch để tạo nên sức sống mới cho di sản”, bà Lê Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết, việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số theo phương châm lấy người dân là trung tâm
Cũng theo bà Lê Thị Thanh Bình, để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, tỉnh đã có các chính sách kịp thời và hỗ trợ đúng đối tượng. Với các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiện nay, tỉnh Yên Bái có 312 nghệ nhân đang nắm giữ, thực hành các di sản trong cộng đồng, là nòng cốt để duy trì các đội văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc. Cùng với đó, để di sản văn hóa phi vật thể được lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh đã nhân rộng mô hình bằng việc mở các lớp dạy do chính các nghệ nhân truyền dạy. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 150 mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động du lịch thường xuyên, hiệu quả trong việc, tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch homestay ở các bản văn hóa, những lễ hội của địa phương, sự kiện văn hóa truyền thống… đã góp phần nâng cao nhận thức về lòng tự hào cũng như ý thức của người dân trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, đồng thời quảng bá các giá trị của di sản, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của Yên Bái. Năm 2022, toàn ngành Du lịch Yên Bái đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 28.000 lượt khách. 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 670.350 lượt khách (tăng 27,5% so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế là 19.930 lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 481 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
Bà Lê Thị Thanh Bình khẳng định, việc xây dựng các mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một hướng đi đúng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Yên Bái tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang chia sẻ về mô hình bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử
An Giang cũng là một điển hình trong việc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Bởi An Giang là một trong các tỉnh Nam Bộ sở hữu loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Để Đờn ca tài tử Nam Bộ tiếp tục được bảo tồn và phát huy; đồng thời, tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, An Giang đã xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2027”.
Ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang cho biết, hàng năm, ngành Văn hóa và các địa phương thuộc tỉnh An Giang đã thực hiện công tác sưu tầm, kiểm kê loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 04 của Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tổ chức khảo sát thực tế tại các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và phỏng vấn các nghệ nhân, chủ nhiệm, thành viên các câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt Đờn ca tài tử ở các xã trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình hoạt động của các Câu lạc bộ, mô hình hoạt động hiệu quả, cách làm hay qua đó, có định hướng tổ chức các hoạt động cho Câu lạc bộ Đờn ca tài tử hiệu quả hơn…
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang còn đưa vào thực hiện các mô hình bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Cụ thể: Tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử và từ năm 2017 đến nay đã tổ chức được 18 lớp truyền dạy; Tổ chức các liên hoan, giao lưu, trình diễn về nghệ thuật Đờn ca tài tử cấp tỉnh, cấp huyện; Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho các bài bản Đờn ca tài tử, bài ca cổ; Thực hiện biên soạn, xuất bản các tài liệu, ấn phẩm, video clip về nghệ thuật Đờn ca tài tử; thu âm file MP3 20 bài bản tổ tiêu biểu (độc tấu, hòa tấu, ca...) nhân bản, phát hành về các câu lạc bộ Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh.
“Để bắt kịp với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiên nay, năm 2023, Sở VHTTDL An Giang tổ chức tập huấn kỹ năng quảng bá các tác phẩm nghệ thuật trên môi trường mạng xã hội, nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm thực tế về thiết kế video clip trình chiếu, tuyên truyền quảng bá các hoạt động nghệ thuật... trên các trang mạng xã hội, trang bị cho nghệ nhân những kỹ năng cần thiết, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân và phát triển thích ứng với xu thế phát triển của xã hội, góp phần mang những thông tin cần thiết về chính trị, xã hội, đời sống... đến gần với người dân hơn”, ông Đào Sĩ Tuấn nhấn manh.
Trong thời gian tới, ông Đào Sĩ Tuấn cho biết, Sở VHTTDL An Giang sẽ tiếp tục triển khai tổ chức biểu diễn Đờn ca tài tử với hình thức “MiniShow” tại các khu, điểm du lịch để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử, đồng thời tạo điểm nhấn cho khu, điểm du lịch thu hút du khách thăm quan nhằm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tiếp tục đạt được kết quả tốt. Nhiều mô hình, câu lạc bộ ở cấp xã, thôn về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao,… đã được các địa phương triển khai từ rất sớm, cùng với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được thực tiễn kiểm nghiệm có sức sống trong đời sống xã hội, từ đó tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát huy sức mạnh, sáng kiến của cộng đồng để khuyến khích lan tỏa, phát triển theo chiều sâu, tạo điều kiện để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.
Tỉnh Bình Dương hiện có 29 Khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 13.533 ha, thu hút gần 42.300 doanh nghiệp trong nước và trên 3.750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số lao động hơn 1,3 triệu người, trong đó lao động trẻ chiếm đa số, lao động nữ chiếm khoảng 56%, lao động đến từ các tỉnh, thành khác chiếm khoảng 85%. Vì vậy, ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về việc làm, Tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Việc đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ Nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng luôn được các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai.
Một số công trình được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng như: Sân vận động tỉnh đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu các giải cấp quốc gia, quốc tế; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Thư viện; Bảo tàng; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao; có 09/09 huyện, thị xã, thành phố đã hình thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao; Trung tâm Văn hóa, Thể thao- Truyền thanh; 66/91 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng. Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao do ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể chính trị cũng đầu tư xây dựng một số thiết chế.
Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Dương phát biểu tại Hội nghị
“Song song với đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp cũng có nhiều bước phát triển về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có trên 350 cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và duy trì đội, nhóm văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức được các chương trình biểu diễn và sinh hoạt văn nghệ; Hàng năm, Trung tâm Văn hoá tỉnh tổ chức trung bình 140 buổi biểu diễn tuyên truyền lưu động phục vụ Nhân dân ở cơ sở. Hệ thống Thư viện tỉnh với mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng không ngừng sáng tạo để phục vụ bạn đọc; Ngành VHTTDL phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các hoạt động như: Hội thi Văn nghệ - Thể thao công nhân tại các khu công nghiệp; tổ chức các buổi chiếu phim, biểu diễn phục vụ tại địa phương có các khu nhà trọ của công nhân;…”, ông Bùi Hữu Toàn cho biết.
Mặc dù trong quá trình trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Tuy nhiên, ông Bùi Hữu Toàn khẳng định, tỉnh Bình Dương sẽ tục quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, thể dục thể thao của nhân dân và công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa hình thức tổ chức, các hoạt động phong trào, thường xuyên đổi mới nội dung, mổ rộng việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở phù với điều kiện từng địa phương, từng đối tượng nhằm thu hút rộng rãi sự tham gia của công nhân lao động.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn, tại tỉnh Tiền Giang, theo ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang, năm 2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết về phê duyệt Đề án “Nâng cao hoạt động Trung tâm Văn hóa-Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021” với tổng kinh phí hoạt động cho 172 xã, phường, thị trấn là 18.748.000.000 đồng. Theo đó, hàng tháng, mỗi Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức 01 biểu diễn văn nghệ và 01 buổi sinh hoạt câu lạc bộ sở thích, và hàng năm tổ chức 01 cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng. Tính đến cuối tháng 8 năm 2022, các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 1.800 buổi biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ sở thích với các loại hình phong phú như: biểu diễn đờn ca tài tử, văn nghệ quần chúng, hát với nhau, tuyên truyền lưu động, trích đoạn cải lương, kịch nói, tiểu phẩm, dân ca vọng cổ, xiếc, ảo thuật, múa lân, khiêu vũ, hội thi, liên hoan văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm... thu hút hàng trăm nghìn lượt Nhân dân tham gia sinh hoạt, hưởng thụ, vui chơi giải trí, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn, tạo hiệu quả xã hội tích cực. Các địa phương đã tổ chức trên 60 cuộc hội thi, liên hoan văn nghệ với nhiều nội dung, phương thức tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần vào công tác “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giới thiệu, quảng bá được nét văn hóa đặc trưng của địa phương.
“Qua nội dung hoạt động của Đề án, đã huy động, tập hợp đông đảo lực lượng diễn viên không chuyên ở các địa phương, tạo ra phong trào văn hóa - văn nghệ sôi nổi ở cơ sở. Các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp của các thế hệ diễn viên không chuyên. Mặt khác, qua hoạt động của Đề án, đã hình thành nên nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ sở thích ở nhiều địa phương, xuất hiện các nhân tố mới từ phong trào, đây là lực lượng kế thừa liên tục cho phong trào, phục vụ lâu dài cho sự nghiệp của ngành văn hóa, thể thao và du lịch”, ông Nguyễn Đức Đảm nói.
NGỌC NHIÊN – THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN