Tại Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt đền Hùng (Phú Thọ):
Báo động nguy cơ sạt lở đất, đá
VHO - Nguy cơ sạt lở đất, đá tại vùng lõi Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt đền Hùng (Phú Thọ) sau những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã không còn ở dạng tiềm ẩn, mà đang ngày càng hiện hữu với mức báo động cao.
Nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan không có ngay những biện pháp cấp thiết, khoa học, trong khi dự báo khu vực Bắc Bộ đang tiếp tục đón những đợt mưa lớn, thì nguy cơ sạt lở đất, đá tại khu vực đền Thượng, đền Trung... sẽ xảy ra bất cứ khi nào.
Hơn bảy điểm, khu vực có nguy cơ rất cao
Sau những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại khu vực Bắc Bộ trong cuối tháng 7 đầu tháng 8, gây ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong, chúng tôi nhận được thông tin, tại Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt đền Hùng cũng đang có nhiều nguy cơ sạt lở đất, đá vì những năm trước đã từng xuất hiện.
Sáng sớm ngày 7.8, chúng tôi có mặt tại di tích lịch sử, văn hóa đền Hùng sau những ngày mưa lớn để “tận mục sở thị” hiện trạng nguy cơ gây sạt lở đất, đá nơi đây. Cùng tiến hành khảo sát từ chân núi Nghĩa Lĩnh lên đền Thượng, xuống khu vực đền Giếng còn có những cán bộ của Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt đền Hùng. Hiện tượng dễ thấy đập ngay vào mắt là dọc các tuyến đường xuất hiện nhiều khe, rãnh nước mới hình thành do mưa lớn nhiều ngày, tạo ra tình trạng rửa trôi, xói mòn. Độ ẩm đất cũng gần như đạt đến trạng thái bão hòa, hay nói nôm na là “no nước”, dẫn đến tình trạng đất trở nên tơi, bở; nhiều khu vực có dấu hiệu bị phình. Đó có thể xem là nguy cơ sạt lở và càng lên cao, dấu hiệu đó càng rõ rệt, báo động tình trạng nguy hiểm.
Đi qua cổng Cao Sơn Cảnh Hành khoảng 50m, một cán bộ đi cùng đoàn khảo sát cho biết, cách đây mấy năm, phía bên phải ta luy dương cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất khá nghiêm trọng. Để bảo vệ an toàn cho tuyến đường cũng như ngăn chặn tình trạng sạt lở đất có thể tiếp diễn xảy ra, Khu di tích đã áp dụng biện pháp đóng cọc sắt V, chằng thép B40, đổ đất, nện chặt sau đó bê tông hóa bề mặt. “Nhưng sau mấy năm đã xuất hiện đường nứt kéo dài, điều đó cho thấy nền đất nơi đây đã không còn ổn định, có dấu hiệu sạt lở”, cán bộ này nói. Trên tuyến đường từ đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng, bằng mắt thường chúng tôi cũng đã ghi nhận ít nhất có bảy điểm gây nguy cơ sạt lở. Từ khu vực đền Hạ sang chùa Thiên Quang, phía trái đường lên bên ta luy âm giáp chùa là đoạn có nguy cơ sạt lở dài 64m. Vị trí khu vực giáp chùa Thiên Quang có hai điểm sạt đất nằm phía trái lối lên, dài khoảng 5m, taluy sâu khoảng 30m, chưa được xử lý. Hai điểm này được đánh giá có nguy cơ lở đất cao. Đáng nói, ngay đoạn lối lên đền Trung, sau chùa Thiên Quang đặt tảng đá có trọng lượng hàng chục tấn. Nếu không may xảy ra sạt, trượt đất, tảng đá này có thể trở thành mối hiểm họa cực lớn đối với công trình.
Điểm nguy cơ sạt lở tiếp theo dài 42m, nằm bên trái đường đi lên, tại taluy âm giáp đền Trung và theo ghi nhận vừa xuất hiện điểm có nguy cơ mới ở góc đối diện. Tiếp đó là tại nhà Tu lễ, nơi từng xảy ra sạt lở đất vào tháng 10.2020. Vị trí bị lở đất đã tiến sát phía sau cách chân tường nhà từ 0,5-1m. Đánh giá sơ bộ cho thấy vị trí này có nguy cơ rất cao, và nếu tiếp tục xảy ra sạt lở đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình di tích. Thực tế phía bờ kè nhà quản lý đền Trung đã xuất hiện vết nứt độ rộng 2-3cm. Đáng lo ngại nhất là khu vực đền Thượng. Điểm mái ta luy phía sau nhà tu lễ ở khu vực đền Thượng là đoạn có nguy cơ sạt trượt trên chiều dài lên tới 67m. Để xác định mức độ nguy hiểm, chúng tôi buộc phải trèo xuống tận chân móng công trình phía sau khu vực hóa vàng, và nhận thấy chân móng bị nứt toác, vết đứt chân móng kéo dài 4-5m và rộng 50cm. Theo nhìn nhận của cán bộ Khu di tích, nếu các điểm trước chỉ có vài đoạn nguy cơ sạt lở thì ở phía Tây khu vực đền Thượng, nơi linh thiêng nhất đều có nguy cơ rất cao, có thể nói đáng báo động.
Cần có ngay biện pháp cấp thiết
Tại thành phố Việt Trì nói chung và khu vực đền Hùng nói riêng nằm trong vùng khí hậu đồng bằng trung du và trung du Bắc Bộ, vì thế thường mưa nhiều và kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, lượng mưa nhiều nhất rơi vào tháng 7, tháng 8. Đặc biệt nơi đây có nhiều trận mưa rào với cường độ lớn kèm theo dông bão kéo dài từ 3-5 ngày liền, gây ngập úng cục bộ. Điều này đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc chống sạt lở đất, đá tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh, nơi tọa lạc các công trình di tích đền Hùng.
Theo những tài liệu chúng tôi có được, cách đây hơn một năm đã có đơn vị chức năng lên khu vực di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt quốc gia đền Hùng tiến hành khảo sát nguy cơ sạt lở đất. Vào thời điểm đó, số liệu cho thấy bốn điểm, khu vực ở đền Hùng có nguy cơ cao đến rất cao. Vị trí số một là dọc phía bên trái đường lên bên ta luy âm giáp chùa Thiên Quang. Đoạn nguy cơ sạt trượt trên chiều dài khoảng 64m, diện tích phải xử lý 1.525m2. Vị trí số hai được xác định bên trái đường lên, bên ta luy âm giáp đền Trung. Đoạn có nguy cơ sạt trượt trên chiều dài khoảng 42m, diện tích cần phải xử lý 1.135m2. Vị trí số ba là mái ta luy sau nhà tu lễ ở khu vực đền Thượng. Đoạn có nguy cơ sạt trượt trên chiều dài khoảng 67m, diện tích phải xử lý 1.780m2. Và vị trí số 4 dọc bên phải lối lên ta luy âm gần khu vực gác chuông đền Hạ có nguy cơ sạt trượt dài khoảng 50m, diện tích cần xử lý 900m2. Nhưng so với những gì chúng tôi khảo sát thì những điểm có nguy cơ sạt lở đất đã tăng lên ba điểm, và chắc chắn chưa có dấu hiệu dừng lại vì những trận mưa xối xả cũng đang bắt đầu tiếp diễn.
Chia sẻ với chúng tôi, những cán bộ của Khu di tích đền Hùng đều có chung sự lo lắng trước nguy cơ sạt lở sau những ngày mưa lớn vừa qua và những ngày mưa lớn sắp tới. “Các nhà báo đã khảo sát bằng mắt thường và cũng đã thấy những nguy cơ tiềm ẩn về sạt lở đất, đá xung quanh những công trình di tích. Chúng tôi cũng nhìn nhận rằng, nguy cơ sạt lở, trượt đất đá tại vùng lõi di tích là có, thậm chí là khá nguy hiểm. Vấn đề hiện nay là biện pháp chống sạt lở như thế nào. Hiện tại chỉ có vài biện pháp xử lý tạm thời”, một cán bộ đi cùng cho biết. Còn theo chúng tôi, nguy cơ sạt lở đất, đá tại Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Hùng đã ở mức độ rất nguy hiểm, và có thể xảy ra bất cứ khi nào với điều kiện thời tiết đang diễn biến xấu, mưa nhiều, kéo dài nhiều ngày. Trong khi đó những biện pháp cấp thiết nhằm chống đỡ, gia cố ngăn chặn sạt lở đất đá tại nơi đây vẫn còn nằm trên giấy, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Được biết dự án tu bổ, tôn tạo hạ tầng cảnh quan Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Hùng, trong đó có công trình xử lý, chống xói mòn một số vị trí sạt lở trên khu vực núi Nghĩa Lĩnh, đã được HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 12.2022. Tuy nhiên đến thời điểm này dự án trên vẫn đang nằm trong vòng “quy trình” theo quy định, chưa biết khi nào mới được thẩm định, phê duyệt. Những gì đã, đang diễn ra với mức độ nguy cơ sạt lở đất, đá rất cao tại khu vực các công trình di tích đền Hùng là thực trạng rất đáng báo động. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nếu không có ngay biện pháp cực kỳ cấp thiết, dự án cấp thiết cùng với những giải pháp khoa học, nhằm ngăn chặn hướng đến bảo vệ bền vững cho các công trình, thì trong những ngày mưa sắp tới sẽ là những nguy cơ không nhỏ.