Bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
VHO - Ngày 9.8, tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia thường niên lần thứ nhất về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội thảo nhằm góp phần phổ biến và triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ tháng 1.2023 và Nghị định 17/NĐ-CP đến với các tổ chức, cá nhân trên cả nước nói chung, đặc biệt là những điều chỉnh pháp luật quan trọng về quyền sao chép nói riêng.
Thông qua Hội thảo, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà sáng tạo, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, cũng như thảo luận về cách thức triển khai và thực hiện một cách hiệu quả việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua thực thi quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Theo chuyên gia, qua đánh giá sơ bộ, hiện nay ở Việt Nam, các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn nhận thức rất hạn chế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế tri thức, hàm lượng tri thức ngày càng phát triển khổng lồ theo cấp số nhân không thể được quản trị theo cách truyền thống. Ngành quản trị tài sản trí tuệ của thế giới đã ra đời trong bối cảnh và theo cách như vậy.
Tuy nhiên, đến nay, ở đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tại Việt Nam, sự nhận thức về xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ và xử lý sai phạm khi có sự sao chép tài sản trí tuệ vẫn còn rất ít người thực sự quan tâm đúng mức trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Việc vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là quyền sao chép tác phẩm ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra một cách công khai, hiển nhiên, mọi lúc, mọi nơi với tất cả các loại hình tác phẩm, kể cả ở môi trường vật lý cũng như trên môi trường số, từ việc photocopy, downloads tài liệu trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu đến sao chép, đánh cắp ý tưởng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội...
Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm tác quyền còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường mà nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số với lối mòn suy nghĩ rằng sử dụng sản phẩm sao chép, đạo nhái, vi phạm bản quyền là việc… bình thường.
Thực trạng này không những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu tác phẩm, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với công cuộc phát triển nguồn lực của đất nước, cản trở quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã giới thiệu một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, phân tích các khía cạnh liên quan đến quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả; hướng dẫn quy trình và thủ tục đăng ký quyền tác giả; các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự để bảo vệ quyền tác giả.
Đặc biệt, hội thảo đã đánh giá thực trạng và bàn các giải pháp giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền; các biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cạnh hội nhập quốc tế.