Bác Hồ thăm Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội

VŨ THỊ KIM YẾN (Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

VHO - Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, vinh dự và tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng, gần 17 năm (8.1945 - 12.1946 và 10.1954 - 9.1969). Người để lại biết bao dấu ấn sâu sắc và kỷ niệm thiêng liêng khi đi thăm, làm việc ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, thôn, xã, trường học, bệnh viện, đơn vị bộ đội, công an... trên địa bàn Thủ đô.

Bác Hồ thăm Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội - ảnh 1

 Bác Hồ bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” tại Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội đêm 30 Tết Bính Thân 1956

 Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Hà Nội được giải phóng. Trường thương binh hỏng mắt thành lập từ trước ở Thanh Hóa nay được chuyển về Thủ đô. Địa điểm của trường khang trang, rộng rãi, nằm ngay trên phố Nguyễn Thái Học, một trong những tuyến phố dài và đẹp nhất của Hà Nội.

Tối ngày 11.2.1956, tức 30 Tết năm Bính Thân, sau bữa cơm tất niên, anh em thương binh đến tập trung ở hội trường để liên hoan mừng đón Giao thừa. Đêm liên hoan đông vui và cảm động vì sự họp mặt của các anh em thương binh ở cả hai miền Nam, Bắc. Các tiết mục văn nghệ được trình diễn liên tục, sôi nổi. Giữa không khí vui vẻ đó, đồng chí Hiệu trưởng Phạm Chu Mưu phấn khởi báo tin đêm nay có phái đoàn Chính phủ đến thăm nhà trường. Rồi tiếng reo “Bác đến! Bác đến!” mỗi lúc một vang to, lan rộng. Cả hội trường ào lên tiếng vỗ tay, tiếng reo hò sung sướng: “Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ muôn năm!” Bác bước vào hội trường, cất tiếng ấm áp nói: “Các chú đừng hoan hô nữa mệt sức. Ngồi xuống cả đi, Bác sẽ nói chuyện”.

Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người, hỏi chuyện ăn Tết có bánh chưng không. Một đồng chí thương binh hỏng mắt đứng lên trả lời: “Thưa Bác, chúng cháu chưa kịp làm bánh chưng nhưng đã có xôi, có nhiều thịt ạ”. Bác cười: “Mình còn khó khăn, có nhiều xôi, nhiều thịt cũng là tốt lắm rồi”.

Rồi Bác hỏi về món tiền 200 đồng mà Bác gửi hồi thành lập trường cho anh em tăng gia sản xuất. Một đồng chí ngồi gần chỗ Bác đứng lên nói: “Thưa Bác, chúng cháu đã nuôi được lợn và trồng được nhiều rau mà tiền vốn Bác cho vẫn còn ạ”.

Bác khen tốt và nói tiếp: “Có trường thương binh hỏng mắt này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy các chú “tàn mà không phế”. Các chú tùy theo sức của mình mà học tập và công tác. Các chú phải học hết lớp 7, sau đó thích nghề gì thì tham gia...”.

Bác ngừng lời. Đồng chí Hiệu trưởng của trường thay mặt anh em thương binh kính chúc Bác năm mới mạnh khỏe và hứa với Bác là Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội sẽ làm thật tốt lời Bác dặn.

Bác Hồ thăm Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội - ảnh 2

Bác Hồ chụp ảnh cùng đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên sau buổi gặp mặt tại Phủ Chủ tịch, ngày 29.1.1957

Bác đem thuốc lá ra chia cho mỗi người một điếu và để mọi người cùng chụp ảnh chung với Bác làm kỷ niệm. Bất chợt một đồng chí hỏng cả hai mắt đứng lên nói: “Thưa Bác, khi còn sáng mắt, chúng cháu được nhìn Bác hoặc nhìn thấy ảnh Bác. Bây giờ chúng cháu đã bị mù, chúng cháu muốn Bác đứng để chúng cháu sờ xem Bác có khỏe không?”.

Nghe anh nói vậy, Bác đứng lặng đi hồi lâu rồi nói: “Đêm nay Giao thừa, Bác còn phải đi thăm nhiều gia đình có công với cách mạng và các cơ quan khác nữa. Ở đây lâu thì Bác không kịp đi thăm nơi khác được. Thôi, các chú hát cho Bác nghe một bài”.

Bác giơ tay bắt nhịp cho toàn thể anh em thương binh cùng hát bài Kết đoàn. Tiếng hát, cùng tiếng vỗ tay theo nhịp điệu vang lên sôi nổi, vui vẻ. Bài hát gần kết thúc thì Bác vẫy tay chào ra về, để lại trong lòng anh em một niềm xúc động sâu sắc và cũng rất phấn khởi, tự hào trước tình cảm yêu thương, tin tưởng, tôn trọng của vị Chủ tịch nước dành cho.

Hơn nửa thế kỷ sau ngày Bác đi xa, ngôi trường ngày nào anh em thương binh được đón Bác đến thăm vẫn nằm trên con phố Nguyễn Thái Học đông vui, nhộn nhịp và đã trở thành một Di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, lời động viên “tàn mà không phế” và bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn tại buổi gặp gỡ đã được sử dụng thường xuyên trong trưng bày, tuyên truyền giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cũng như động viên tinh thần anh chị em thương binh trong cuộc sống, lao động và sản xuất. Không chỉ anh chị em thương binh hỏng mắt như được Bác đem lại ánh sáng cuộc đời, mà các thương, bệnh binh nói chung đều có thêm ý chí, nghị lực, tự tin phấn đấu vượt lên chính mình để sống, học tập và lao động có ích, viết tiếp truyền thống vẻ vang của anh bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc