Vinh dự trong lần “tác nghiệp” khi Bác về thăm quê

PHẠM NGÂN

VHO - Bức ảnh đen trắng chụp chung với Bác Hồ được cựu nhà báo Phan Duy Hương đóng khung, giữ gìn như một kỷ vật vô giá. Lần được giao tác nghiệp khi Bác Hồ về thăm quê là vinh dự đặc biệt trong đời làm báo của ông, sau hơn 60 năm đến giờ vẫn vẹn nguyên…

 Những ngày tháng 6, trời miền Trung nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm cựu nhà báo Phan Duy Hương (sinh năm 1939, bút danh Dương Huy, trú tại TP Vinh, Nghệ An), nguyên phóng viên Báo Nhân dân Nghệ An (tiền thân của Báo Nghệ An). Ông là phóng viên được giao tác nghiệp trong lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê (ngày 10.12.1961).

 Vinh dự trong lần “tác nghiệp” khi Bác về thăm quê - ảnh 1

Bức ảnh có hình ông Phan Duy Hương phía sau khi Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân nông trường

Chuyến công tác nhớ mãi

Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất hiếu học, giàu truyền thống thơ ca tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), năm 1960, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ông bén duyên về công tác tại Báo Nhân dân Nghệ An. Nỗ lực trong công tác, ông đã có nhiều bài viết chất lượng, được cấp trên tin tưởng, giao phó tác nghiệp nhiều sự kiện quan trọng. Sau gần hai năm công tác, ông vinh dự là phóng viên nhận nhiệm vụ tác nghiệp trong chuyến công tác Người về thăm quê lần thứ hai.

“Tôi vẫn còn nhớ trong chuyến công tác về thăm quê lần thứ hai của Bác Hồ ngày 10.12.1961, lãnh đạo cơ quan phân công đi từ thị xã Vinh lên huyện Nghĩa Đàn. Thời điểm ấy tôi vừa vui sướng lại xen lẫn lo lắng. Vui vì sẽ được gặp Bác, cơ hội không phải ai cũng có được. Lo lắng vì sợ mình mới bước vào nghề sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc đó tôi là phóng viên trẻ và gầy lắm. Với sự kiện quan trọng này, đích thân lãnh đạo cơ quan đã mượn cho tôi chiếc áo Tôn Trung Sơn (còn gọi áo đại cán) và chiếc mũ vải để chững chạc, già dặn hơn. Hôm đó, tôi theo xe ô tô của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng lên Nông trường Đông Hiếu”. Đã hơn 60 năm trôi qua, hình ảnh về Bác trong trí nhớ vẫn vẹn nguyên với ông Hương: “Được tin Bác Hồ về thăm, từ sáng sớm, hàng vạn người dân huyện Nghĩa Đàn đã tập trung tại sân Nông trường, ai cũng háo hức, mong chờ được gặp, được nghe Bác nói chuyện. Trực thăng hạ cánh, Bác bước xuống với bộ quần áo kaki giản dị đã bạc màu năm tháng. Bác đội mũ trắng vành tròn, chân đi dép cao su, vừa đi Bác vừa vẫy tay chào đồng bào, khuôn mặt nở nụ cười rạng rỡ.

Mùa đông nhưng trời nắng, Bác không tỏ ra mệt mà đi thẳng lên thăm đồi cà phê. Bác ghé vào một lán công nhân kiểm tra nơi ăn chốn ở, ân cần thăm hỏi đời sống công nhân. Khi lên đồi cà phê, nhìn thấy một cháu nhỏ chừng 2 - 3 tuổi theo mẹ lên rẫy, Bác tiến lại gần âu yếm, cười hiền từ. Lúc đó, tôi cảm nhận Bác là một người vô cùng giản dị, rất đời thường. Những hình ảnh và tình cảm của Bác đến tận bây giờ tôi vẫn không sao quên được”. Suốt chuyến tác nghiệp, Phan Duy Hương luôn bám sát Bác để nghe và ghi chú những lời căn dặn vào cuốn sổ tay. Bác Hồ bước từng bước dài khiến anh phóng viên trẻ phải khẩn trương chạy theo. “Tại buổi nói chuyện hôm ấy, Bác căn dặn: Nông trường có điểm mạnh về kỹ thuật, phải hỗ trợ đồng bào địa phương về kỹ thuật sản xuất, hợp tác xã và đồng bào cũng phải giúp đỡ nông trường. Chúng ta phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ”, ông Hương nhớ như in từng lời Bác dặn…

Trong bài viết về sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu của ông Hương đã được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng đọc, góp ý chỉnh sửa. Ngay sau khi đăng tải đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp. Chuyến thăm và lời căn dặn của Bác như tiếp thêm một luồng sinh khí mới để công nhân Nông trường Đông Hiếu, nhân dân Nghĩa Đàn nói riêng và nhân dân Nghệ An nói chung tiếp tục hăng hái thi đua lao động sản xuất. Sau chuyến công tác đáng nhớ ấy, những mạch cảm xúc vui sướng theo anh phóng viên trẻ len lỏi vào từng câu, từng chữ.

 Vinh dự trong lần “tác nghiệp” khi Bác về thăm quê - ảnh 2

 Ông Hương kể lại về kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ

Bức ảnh vô giá về Bác

Vinh dự được tham gia đưa tin sự kiện quan trọng, được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, ai cũng đều mong mỏi được chụp chung với Bác một tấm hình. Phóng viên trẻ Phan Duy Hương cũng không ngoại lệ. Trưa hôm đó, Bác về nông trường nghỉ ngơi. Ngoài lán nơi Bác nghỉ, anh phóng viên trẻ nhấp nhổm không yên, muốn xin được chụp chung với Bác tấm ảnh nhưng không dám tiến vào.

“Lúc đấy, cánh phóng viên đã tập trung ngoài lán rất đông, còn có mấy chị công nhân, ai cũng muốn chụp ảnh với Bác mà không dám nói ra. Khi Bác vừa thức dậy, đi ra ngoài, tôi mạnh dạn đến gần: Thưa Bác, cháu và các chị đây muốn chụp với Bác một tấm hình. Bác vui vẻ đồng ý. Lúc này các nhà báo khác cũng ùa tới, chúng tôi có một bức ảnh kỷ niệm với Bác Hồ. Một bức ảnh quý giá”, ông Hương nhớ lại. Do thời điểm đó thông tin kết nối còn hạn chế nên dù ông Hương rất muốn nhìn lại bức ảnh được chụp chung với Bác nhưng không biết tìm ai. Bẵng đi gần 30 năm, ông Hương nhận được điện thoại của Giám đốc Bảo tàng Kim Liên (nay là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên) thông báo về một bức ảnh chụp chung với Bác. Đây là bức ảnh chụp Bác Hồ trong lần thứ hai Người về thăm quê, được một phóng viên ở miền Nam gửi tặng Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác. Sau này, bức ảnh được Giám đốc Bảo tàng Kim Liên sao một bản, tặng ông Hương. Trong bức ảnh, Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân nông trường người dân tộc thiểu số và ông Hương đứng ngay phía sau cô công nhân, nở nụ cười rất tươi. Tấm ảnh đen trắng chụp chung với Bác Hồ, ông Hương đóng khung cẩn thận, cất giữ như một kỷ vật vô giá.

Mở cuốn album ảnh được cất trong chiếc hộp gỗ đã bạc màu theo năm tháng, ngay trang đầu tiên, bức ảnh chụp chung với Bác Hồ được ép plastic, bọc rất cẩn thận và xếp ngay ngắn. Những kỷ niệm năm ấy lại ùa về trong miền ký ức của ông. “Khi nhận được bức ảnh chụp chung cùng Bác Hồ, cảm xúc trong tôi vinh dự, tự hào lắm. Gần 30 năm sau chuyến tác nghiệp đặc biệt năm 1961, tôi mới biết mình có một bức ảnh chụp chung với Bác ở cự ly gần như thế. Bức ảnh đen trắng này là món quà, kỷ vật vô giá với tôi trong lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất được gặp Bác. Đó cũng là động lực to lớn sát cánh cùng tôi trong suốt cuộc đời cầm bút của mình”.