Gặp người lưu giữ ký ức về Bác Hồ trên đảo Cô Tô

VHO - Hơn 62 năm đã trôi qua nhưng dường như chưa một phút giây nào bà Trần Thị Trác, nhân chứng lịch sử hiếm hoi ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh), có thể quên được những khoảnh khắc vô giá khi Bác Hồ đến thăm huyện đảo, vào ngày 9.5.1961. Lần giở những dòng ký ức xa xôi, bà Trác xúc động nói với chúng tôi, đã hơn 60 năm rồi, cho dù trí nhớ đã nhoè mờ, cho dù những bước chân không còn dẻo dai nhưng những khoảnh khắc ấy luôn là tài sản vô giá, thiêng liêng mà bà gìn giữ trong suốt cuộc đời mình.

Gặp người lưu giữ ký ức về Bác Hồ trên đảo Cô Tô - Anh 1

 Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô

 Giữa biển trời Cô Tô lộng gió, bà Trác trầm tư khi chúng tôi gợi lại câu chuyện kỷ niệm về Bác Hồ với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Thiêng liêng hình ảnh về Người

Bà bảo: “Năm nay tôi đã 81 tuổi. Nhiều thứ không còn nhớ nữa, nhưng ký ức về Bác thì vẫn mãi là những dấu ấn thiêng liêng”.

Ngày ấy, bà Trác mới 19 tuổi, là nữ dân quân trên đảo được vinh dự giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho buổi đón Bác ra thăm quân và dân huyện đảo. “Nghe tin Bác Hồ ra thăm đảo, người dân Cô Tô mừng lắm. Từ trước mấy hôm đã hồi hộp, cho đến đêm trước ngày Bác ra, tôi không tài nào ngủ được, cứ thao thức mãi chờ trời sáng. Mà không chỉ riêng tôi, tất cả người dân trên đảo dường như từ nửa đêm gà gáy đã chờ đón Bác. Người dân đảo Thanh Lân, Cô Tô con còn chèo thuyền từ tờ mờ sáng sang để tham dự lễ đón Người”, bà Trần Thị Trác kể chuyện.

Sáng 9.5.1961, từng khoảnh khắc trôi đi thật chậm. Máy bay trực thăng chở Bác đáp xuống bãi đất trống mà lực lượng dân quân đã đánh dấu bằng những ụ rơm xung quanh. “Bao mong chờ cuối cùng người dân đảo Cô Tô chúng tôi cũng đã được tận mắt thấy Người bằng xương, bằng thịt. Được gặp Bác Hồ là ước mơ của cô gái trẻ là tôi ngày ấy, và của tất cả những người dân Cô Tô khác. Khi ấy, người dân trên đảo còn thiếu thốn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần nên khi nghe tin Bác ra thăm đảo, ai nấy đều xúc động vô cùng. Tôi đứng lặng im, mắt nhìn chằm chằm về hướng Bác đang đi từ máy bay xuống, một cảm xúc thật khó diễn tả. Mọi người nô nức vẫy tay chào đón Bác, chị gái tôi đứng ở hàng trên còn được bắt tay Người. Trước mắt chúng tôi, Bác Hồ giản dị trong bộ quần áo sờn vai, vẫy tay nồng ấm chào quân dân huyện đảo”, bà Trác rưng rưng.

Bà Trác kể: “Ngày ấy trông Bác đẹp lắm! Hàng nghìn người từ các đảo Thanh Lân, Cô Tô con về đây cả, mỗi người trên tay cầm một lá cờ sao đỏ để vẫy chào Bác. Lúc đó tháng 5, chưa đến ngày dỡ khoai, mà khi Bác đi thăm ruộng khoai và cầm một dây khoai lên thì được một củ khoai rất to. Rồi Bác ra đồng Muối, ngồi lên guồng đạp, rồi Bác đi thăm chiến sĩ biên phòng”. Ký ức về hình ảnh của Bác Hồ ngày hôm ấy được bà Trác nhớ như in. Người bắt tay các đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện, xã, lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang trên đảo. Người ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, hỏi chuyện phụ nữ, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi. Trò chuyện, Bác căn dặn các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cô Tô rất nhiều điều, từ việc tăng gia sản xuất, củng cố hợp tác xã đến phát triển văn hóa, giữ vững trật tự trị an…

Bà Trác tâm sự: “Tôi nhớ mãi lời Người căn dặn bà con trên đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”.

Gặp người lưu giữ ký ức về Bác Hồ trên đảo Cô Tô - Anh 2

 Bà Trần Thị Trác kể lại kỷ niệm được đón Bác Hồ thăm đảo Cô Tô với phóng viên Văn Hoá

Lời Bác dạy vang mãi

“Nhờ bắn súng giỏi, có nhiều thành tích mà ngày ấy tôi được chọn đi đón Bác. Chúng tôi chỉ được đứng vòng ngoài đón Người nhưng đó thực sự là vinh dự, tự hào hiếm hoi trong đời. Chỉ vài tiếng gặp Bác Hồ, kỷ niệm đó mãi đi theo chúng tôi cả cuộc đời, không bao giờ phai nhạt…”, nhân chứng lịch sử của hòn đảo Cô Tô lần dòng ký ức. Nỗi nhớ của một nữ dân quân tuổi 19, trải qua hơn 62 năm vẫn giữ gìn những điều thiêng liêng nhất về vị Cha già dân tộc sâu trong tâm khảm.

“Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời mà chúng tôi không bao giờ quên. Mọi người cùng hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”, hô đến khản cổ mà vẫn thấy vui, hạnh phúc vô cùng”, bà Trác nói. Được thấy Bác bằng da bằng thịt, thân thiện và gần gũi với người dân, bà Trác cho rằng đấy chính là động lực, là sự động viên vô giá để mỗi người dân trên đảo Cô Tô cùng nhau nỗ lực, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước. Lời Bác dặn dân trên đảo giữ gìn sức khỏe, quân với dân đoàn kết, phát triển đảo vững mạnh để góp phần xây dựng dân giàu nước mạnh sau này, cho đến hôm nay, bà Trác vẫn kể lại cho những người dân đảo và con cháu của mình. Yêu thương, kính trọng Bác, hình ảnh của Người luôn được nhân dân Cô Tô ghi tạc trong tim.

“Khi nghe tin Bác từ trần, cả hòn đảo đau buồn vô hạn. Tất cả dân đảo Cô Tô đều khóc thương Người. Không kể trẻ già, ai cũng để tang Bác, hoà chung tình cảm trước nỗi mất mát to lớn của toàn dân tộc. Với tôi, cảm giác khi nghe tin Người mất đau đớn không gì có thể diễn tả được. Có lẽ, trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều dành những tình cảm vô cùng đặc biệt như thế với Bác, vị Cha già dân tộc”, bà Trác xúc động. Khắc ghi lời Bác dạy, mấy chục năm qua bà Trác luôn bảo ban con cháu chăm chỉ làm ăn, gắn bó với đảo, xem hòn đảo nhỏ là quê hương của mình. Bà kể: “Tôi vẫn nói với con cháu rằng Cô Tô giờ đây đẹp rồi, du lịch phát triển, đời sống sung túc, nhiều nhà cao tầng, tàu chạy chỉ hơn một tiếng vào đất liền, có điện nước đầy đủ, ước mơ của người dân trên đảo ngày trước giờ đây đã trở thành hiện thực. Ngày trước, đã có giai đoạn cuộc sống quá khó khăn, tôi và chồng đã bàn nhau rồi quyết định rằng ở đâu cũng là quê hương, vậy là chúng tôi ở lại với Cô Tô. Nhiều chục năm sống trên đảo, tôi luôn tâm niệm và nhớ về lời dạy của Bác Hồ năm xưa để cố gắng sống thật tốt, thật khoẻ mạnh, đoàn kết cùng người dân trên đảo xây dựng cuộc sống mạnh giàu”, bà nói.

Nói rồi, bà Trác khoe, các con cháu trong gia đình nhiều năm qua vẫn kiên trì bám đảo, chăm chỉ làm lụng và xây dựng gia đình. Bà vui vì giờ đây dù ở tuổi ngoài 80 vẫn còn mạnh khỏe, thỉnh thoảng vẫn còn ra biển cào ngao, chăm sóc cho mảnh vườn nhỏ với những luống rau xanh tốt. Ngôi nhà nhỏ nơi bà Trác sinh sống ở Khu 4, thị trấn Cô Tô, qua nhiều chục năm vẫn là nơi lưu giữ những ký ức, tình yêu thương và gắn kết với hòn đảo nhỏ. “Nếu không có Bác Hồ ra đảo, không có sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, có lẽ Cô Tô cũng không phát triển như ngày nay...”, bà Trác nói.

Với lòng kính trọng dành cho Bác, quân dân Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo để ngày nào cũng được ngắm nhìn hình ảnh của Bác. Nguyện vọng của người dân trên đảo đã được Bác Hồ đồng ý. Năm 1968, Tượng đài Bác Hồ được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay thực hiện. Đây cũng là nơi duy nhất được Bác Hồ cho dựng tượng khi Người còn sống. Trải qua nhiều thập kỷ, tượng Bác Hồ hướng ra Biển Đông luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người con huyện đảo. Nơi Bác Hồ gặp gỡ cán bộ nhân dân trên đảo nay đã trở thành Nhà lưu niệm. Nơi này vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn những kỷ vật về Người, đó là bộ bàn ghế Bác từng ngồi, chiếc tủ đựng đồ đạc của Bác, bộ quần áo Người từng mặc, đôi dép Bác từng đi, chiếc giường Bác từng nghỉ trưa, những hình ảnh Bác ra thăm đảo… Bao năm tháng đi qua, nhưng lòng kính yêu của người dân Cô Tô với Bác vẫn vẹn nguyên, dấu chân nơi Người đã đi qua như vẫn đang còn hiển hiện.

“Nhiều năm trôi qua, những ký ức đong đầy về Bác cứ trở đi trở lại và mỗi lần nhớ Người, tôi lại đi bộ ra Đền thờ Bác, nơi có tượng của Người hướng ra phía Biển Đông. Thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ Bác Hồ, tôi luôn nhắc nhở con cháu của mình học theo tấm gương của Bác để sống, học tập và làm việc có ích cho xã hội...”, ánh mắt  bà Trác ánh lên những tia vui. 

PHƯƠNG ANH - THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc