Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại

S.THÙY

VHO - Chiều ngày 25.6, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức buổi tọa đàm và giới thiệu sách “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại”.

Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại - ảnh 1
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Ban biên tập sách giới thiệu về ấn phẩm "Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại"

Sách được Câu lạc bộ Đình làng Việt thực hiện và do Nhà xuất bản Thế giới xuất bản nhân kỉ niệm 280 năm chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế chiếc Áo năm thân làm trang phục cho người dân Đàng Trong (1744 - 20124); và sau này Hoàng đế Minh Mạng triều Nguyễn quy định là trang phục dùng cho cả nước Việt Nam.

Ấn phẩm “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại” có 456 trang, gồm 52 bài viết của 47 tác giả là khách mời và thành viên của Câu lạc bộ Đình làng Việt. Các tác giả đến từ nhiều vùng miền khác nhau từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Long An… cho đến các quốc gia Australia, Vương quốc Anh. Họ công tác hoặc đã từng công tác trong các lĩnh vực khác nhau, với có nhiều độ tuổi, người lớn nhất đã 86 tuổi và trẻ nhất mới 18 tuổi… càng cho thấy sự quan tâm, tình yêu dành cho di sản trang phục của tiền nhân để lại đang chảy mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại - ảnh 2
Sách do Câu lạc bộ Đình làng Việt thực hiện và Nhà xuất bản Thế giới xuất bản

Sách có kết cầu gồm 2 phần và phục lục, trong đó: Phần I - Đi tìm giá trị Áo năm thân; Phần II - Trở về với truyền thống ông cha.  

Với kết cấu sách như vậy, người đọc có thể gặp gỡ những nhà nghiên cứu, họa sĩ thiết kế hay nghệ nhân trực tiếp làm ra Áo dài để nghe họ kể về lịch sử hình thành, phát triển, các tiêu chuẩn hay đặc diểm nhận dạng chiếc Áo dài tạm gọi là “chuẩn mực” theo truyền thống quy trình và kỹ thuật sản xuất có liên quan cũng như ứng dụng của Áo dài trong mọi phương diện của đời sống xã hội, văn hóa, nghệ thuật.

Độc giả cũng lắng nghe chia sẻ của những người thực hành mặc Áo dài truyền thống, qua đó lấy cảm hứng từ những câu chuyện trải nghiệm cá nhân thú vị, đặc sắc. Đích đến là để làm sao cho chiếc Áo năm thân có cơ hội hiện diện một cách xứng đáng không những trong tâm tưởng của bạn đọc mà còn trong tủ trang phục hay sưu tập trang phục của chính họ.

Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại - ảnh 3
Buổi tọa đàm và giới thiệu sách thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cơ sở thiết kế may đo Áo dài và những người yêu Áo dài tại Huế

Nội dung cuốn sách có “độ mở” nhất định, cả về cách tiếp cận thuật ngữ, định danh và nội dung nói chung. Hiện tại, Áo dài truyền thống có thể hiểu là loại áo có vạt (tà) dài - số tà có thể là 3 nhưng do 5 thân áo ghép lại, hoặc có thể là 2 như loại Áo dài đã được cách tân từ khoảng những năm 20 thế kỷ XX; áo thường có tay chẽn hay tay rộng (loại áo tấc), cổ đứng, cài khuy bên phải cổ.

Nó có những định danh khác nhau như Áo (dài) ngũ thân, Áo (dài) năm thân, Áo dài truyền thống, hay đơn giản là Áo dài. Ý thức được sự đa dạng trong chi tiết của loại hình di sản này nên Ban Biên tập sách tôn trọng quan điểm của tác giả, cách chọn dùng các định danh khác nhau trong các bài viết, miễn là chúng không cản trở việc hình dung và cảm nhận tương đối xác thực về một đối tượng thống nhất: đó là Áo dài truyền thống Việt, nhờ các đặc điểm nhận dạng nổi bật và chuyên biệt.

Độ mở của nội dung cũng đồng thời sẽ tạo thuận lợi để chào đón các ý kiến thảo luận, đóng góp có tính xây dựng từ công chúng nhằm phục vụ cho các lần tái bản cuốn sách được cập nhật, bổ sung sau này.