79 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện
VHO - Lịch sử phát triển của ngành Bưu điện suốt 79 năm xây dựng và phát triển, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bưu điện Việt Nam vẫn luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số.
Giá trị hình thành từ lịch sử, truyền thống
Cách đây 79 năm, ngày 15.8.1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Nghị quyết về Thông tin liên lạc. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam. Ngày 15.8.1945 đã đi vào lịch sử và chính thức trở thành Ngày truyền thống của ngành Bưu điện.
Lịch sử của ngành Bưu điện luôn gắn bó với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Bưu điện qua từng thế hệ đã cùng nhau vun đắp nền móng vững chắc cho sự phát triển của Ngành.
Nền móng đó là 10 chữ vàng “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” được thể hiện qua tinh thần tận tụy, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt xây dựng các tuyến đường thông tin, đảm bảo huyết mạch thông tin liên lạc luôn thông suốt.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, sứ mệnh lịch sử đó lại càng được khẳng định, nâng tầm cả về quy mô tầm vóc và ý nghĩa. Phát huy vai trò của doanh nghiệp bưu chính quốc gia với cơ sở hạ tầng và mạng lưới bưu chính lớn nhất nước, Bưu điện Việt Nam xác định chuyển đổi số là ưu tiên số một hiện nay, bởi đây là giải pháp quan trọng nhất để Bưu điện Việt Nam xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ số, chuyển đổi mô hình hoạt động, đẩy nhanh quá trình tự động hóa, tối ưu hoá vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng các dịch vụ, qua đó tạo ra nhiều giá trị mới, đem lại lợi ích cho khách hàng: cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Vượt qua thách thức trong giai đoạn mới
Đến nay, sau 10 năm đổi mới, một lần nữa Bưu điện Việt Nam phải đối diện bởi những thách thức do khủng hoảng chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu tạo nên xu hướng phát triển mới của bưu chính thế giới và trong nước cũng như thói quen của người dân đòi hỏi toàn ngành phải đoàn kết, hợp lực để kịp thời nhận diện, tìm cách tháo gỡ giải quyết những khó khăn, thích ứng với sự biến chuyển của thị trường, thúc đẩy sự phát triển. “Biến thách thức thành cơ hội”, Bưu điện Việt Nam đã có những thay đổi linh hoạt để nhanh chóng để thích ứng kịp thời trước xu hướng phát triển của ngành bưu chính trong nước và thế giới, củng cố vững chắc niềm tin của khách hàng.
Nâng cao năng lực, đổi mới sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng được Bưu điện Việt Nam thực hiện xuyên suốt trong những tháng đầu năm 2023. Việc áp dụng các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh trên cơ sở đánh giá chất lượng lưu thoát, khớp nối, khai thác để bố trí lại các khu vực sản xuất, điều chỉnh quy trình theo hướng tăng hiệu suất và giảm thời gian toàn trình đã phát huy được những hiệu quả đáng ghi nhận khi chất lượng dịch vụ trên toàn mạng lưới ngày càng được cải thiện.
Thực hiện mục tiêu phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia, cùng với những thế mạnh về mạng lưới, cơ sở hạ tầng bưu chính, phương tiện vận chuyển, nguồn nhân lực dồi dào, công nghệ thông tin chính là “chiếc chìa khóa vàng” để Bưu điện Việt Nam chuyển đổi mô hình hoạt động, đẩy nhanh quá trình tự động hóa, tối ưu vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì hiệu quả, chất lượng các dịch vụ. Qua đó, tạo ra những giá trị mới, đem lại ngày càng nhiều những lợi ích cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và hướng đến sự phát triển bền vững trong lĩnh vực chuyển phát nhanh.
Không chỉ làm tốt các hoạt động an sinh xã hội, Bưu điện Việt Nam luôn xác định chăm lo, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động là ưu tiên số một. Bên cạnh việc đảm bảo tốt các điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ các công cụ, dụng cụ cho người lao động, Tổng công ty luôn đảm bảo thu nhập, việc làm, hỗ trợ kịp thời người lao động từ chính sách tiền lương, chế độ hỗ trợ đến việc tổ chức chăm sóc sức khỏe định kỳ. Làm tốt công tác chăm lo cho người lao động trong nội bộ để người lao động yên tâm công tác, đóng góp cho Tổng công ty, cho xã hội cũng là một trong những cách làm thiết thực để góp phần thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội.