Xòe: Hồn cốt văn hóa của người Thái ở Tây Bắc

VHO- Theo chương trình dự kiến, vào chiều tối nay 15.12, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sẽ xem xét Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xòe: Hồn cốt văn hóa của người Thái ở Tây Bắc - Anh 1

Gần như chắc chắn sẽ được ghi danh và đây không chỉ là niềm vui của đồng bào dân tộc Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc (Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La), mà còn là niềm vui chung của cả nước, đặc biệt sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức thành công, ở đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc.

 Văn hóa còn, dân tộc còn, văn hóa mất, dân tộc mất. Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh chứng minh sức sống mãnh liệt và vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể của không chỉ đồng bào người Thái mà còn của cả chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và tạo nên sức mạnh nội sinh cho dân tộc.

Xòe là một loại hình nghệ thuật múa của người Thái ở Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống, và công việc. Xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái. Bắt đầu từ những điệu múa nghi lễ, Xòe dần được sáng tạo và trình diễn dưới hình thức sinh hoạt giải trí tạo ra sự kết nối, chia sẻ giữa con người với con người thông qua các nhạc, múa trong một không gian văn hóa. Khi được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng truyền thống và các hoạt động của cộng đồng, Xòe Thái cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người, trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và là dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.

Giá trị đặc biệt của Xòe Thái được ghi rõ trong Quyết định số 16. Com.8.b.48 của UNESCO: “Ở cấp độ địa phương, sự ghi danh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái, cũng như về di sản văn hóa nói chung của cộng đồng. Sự ghi danh sẽ thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại. Ở cấp độ quốc gia, sự ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của nghệ thuật múa truyền thống tương tự trong các vùng khác ở Việt Nam. Sự ghi danh cũng sẽ tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Sự ghi danh khẳng định chính sách bảo vệ và tôn trọng các biểu đạt văn hóa. Ở cấp độ quốc tế, sự ghi danh sẽ nâng cao tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Sự ghi danh tăng cường đối thoại giữa các đội văn nghệ và cộng đồng người Thái. Sự ghi danh cũng góp phần làm cho nhiều biểu đạt sáng tạo văn hóa được chú trọng”.

Như vậy, đến nay chúng ta đã có 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Điều này giúp chúng ta khẳng định giá trị, sự đa dạng, phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc trên bản đồ văn hóa thế giới. Tuy nhiên, việc tôn vinh, xác lập thương hiệu cho di sản Xòe Thái mới chỉ là bước đi đầu tiên. Việc làm tiếp theo chắc chắn sẽ là triển khai chương trình hành động mà Chính phủ đã cam kết với UNESCO, cũng là cách để chúng ta giữ gìn và khai thác giá trị, làm tăng thêm niềm tự hào đối với Xòe Thái. Gìn giữ và phát huy giá trị của truyền thống cũng là cách chúng ta xây dựng nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

PGS. TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc