Xóa bỏ bạo lực gia đình bằng xây dựng văn hóa

VHO- Gần đây, chúng ta liên tục chứng kiến nhiều vụ bạo lực gia đình, trong đó có những vụ rất đau lòng khi tiếp cận từ góc độ đạo đức xã hội, điển hình nhất là vụ con gái hành hạ mẹ già, cháu ngoại không những không can ngăn mà còn quay clip để đăng lên Facebook. Những hành động trái với luân thường đạo lý như vậy không chỉ mang tính đơn lẻ, cá biệt, mà đã và đang diễn ra ở nhiều nơi với nhiều mức độ khác nhau. Điều này thực sự đáng báo động!

Câu hỏi đặt ra là, lỗi tại ai và tại sao trong xã hội ngày càng văn minh, có nhiều điều kiện để thể hiện nghĩa vụ báo hiếu với cha mẹ, những điều “xấu xí” vẫn xảy ra, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng! Khi chúng ta tìm được nguyên nhân thì việc hình thành giải pháp sẽ dễ dàng hơn.

Từ lâu chúng ta đã quen nói, gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình tốt sẽ tạo nên một xã hội tốt. Ở góc độ nhất định, điều này là hoàn toàn đúng. Bên cạnh đó, gia đình cũng là một thiết chế, sự ổn định của thiết chế gia đình tạo điều kiện cho xã hội ổn định và ngược lại. Với tư cách là một thiết chế xã hội, trong gia đình tồn tại các quy định văn hóa và thực hành văn hóa cụ thể. Gia đình ở giai đoạn xã hội nào thì mang đặc trưng của xã hội đó. Hay nói một cách khác, về mặt bản chất, gia đình là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.

Tiếp cận từ góc độ văn hóa như vậy, chúng ta sẽ thấy các quy định văn hóa và thực hành văn hóa rất quan trọng đối với mỗi gia đình. Trong xã hội truyền thống, các quy định văn hóa được thể hiện ở các yếu tố như gia phong, gia giáo, gia pháp và gia lễ. Sự ổn định tương đối của các quy định văn hóa này trong lịch sử khiến cho văn hóa gia đình của người Việt ít có sự biến động và là cơ sở hình thành nên nền văn hóa Việt Nam đầy bản sắc. Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do chúng ta chưa thực sự thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về xây dựng đời sống mới, ở đó có việc cần tiếp thu những cái hay, cái đẹp của truyền thống, mà lại coi những gì của thời kỳ phong kiến đều không phù hợp với cuộc sống hiện tại, khiến cho các quy định văn hóa không được thực hành liên tục, phổ biến. Thêm vào đó, những quy định văn hóa mới cũng chưa thực sự hình thành ổn định. Chính vì vậy, sự đứt gãy truyền thống đã khiến cho văn hóa gia đình bị ảnh hưởng và trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra những hành vi phản cảm, bạo lực trong gia đình như chúng ta đã chứng kiến.

Không chỉ các quy định văn hóa, thực hành văn hóa cũng có những vấn đề riêng của nó. Gia đình hiện đại phổ biến là gia đình hạt nhân, nơi chỉ có cặp vợ chồng và 1-2 con. Sự thay đổi quy mô gia đình từ mở rộng thành hạt nhân không đơn thuần là câu chuyện số lượng người, mà còn liên quan đến cách thức giáo dục, đó là giáo dục làm gương: ông bà làm gương cho các cháu, bố mẹ làm gương cho con, anh chị làm gương cho các em. Giờ đây, khi số thành viên gia đình ít đi, bố mẹ lại quá bận rộn cho những công việc xã hội, thì giáo dục hay các thực hành văn hóa làm gương đã giảm hẳn. Thay vì chuyển giao văn hóa qua các thế hệ, giờ đây bố mẹ trông đợi vào các thiết chế xã hội khác như trường học, tổ chức đoàn thể… Trong khi đó, các tổ chức này chưa hoàn toàn sẵn sàng để có thể thay thế vị trí gia đình (và cũng không thể nào thay thế hoàn toàn được). Vì vậy, trẻ em không được giáo dục đầy đủ về văn hóa, đạo đức, lối sống. Đây là lý do tiếp theo khiến cho những hiện tượng xuống cấp về đạo đức nảy sinh và phát triển.

Như vậy, chúng ta có thể giải thích được những hiện tượng bạo lực gia đình, xuống cấp đạo đức xã hội xuất phát từ những nguyên nhân thay đổi văn hóa trong gia đình. Chính vì lý do đó, xây dựng văn hóa gia đình chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam hiện nay. Dù vậy, chỉ xây dựng văn hóa trong gia đình cũng là không đủ, chúng ta cần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh rộng lớn hơn để tạo điều kiện cho văn hóa gia đình phát triển tốt đẹp. Văn hóa gia đình cũng là sản phẩm của văn hóa xã hội. Khi chúng ta có môi trường văn hóa xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị tốt, chúng ta có thêm nhiều cơ hội để hình thành văn hóa gia đình tốt. Đó cũng là mục đích của sự phát triển bền vững văn hóa nói riêng, đất nước nói chung! 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc