Xin không còn “Việt Nam là đặc biệt cao”
VHO- Mới ngấp nghé bước vào kỳ nghỉ hè năm nay, chính xác là trong hơn ba tuần trở lại đây chúng ta đã phải liên tiếp nhận thông tin về những vụ đuối nước đầy thương tâm, cướp đi nhiều sinh mạng là các cháu học sinh, trẻ em ở nhiều vùng miền trên cả nước. Những nỗi đau thương, mất mát ấy thực sự đã, đang "găm" thẳng vào tâm trí, suy nghĩ của chúng ta bởi dường như những năm gần đây cũng lặp lại với con số thống kê hơn 2000 trẻ/năm bị đuối nước.
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng số liệu tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam là đặc biệt cao. Cũng vì cái lẽ ấy đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Những thống kê về con số và những khuyến cáo về tình trạng đuối nước ở nước ta đã được truyền thông lan truyền rộng khắp; các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều biện pháp thiết thực như tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước, thế nhưng việc kéo giảm số lượng tửvong vì đuối nước vẫn không hề dễ dàng. Vì sao vậy? Phải chăng do hệ thống sông ngòi, kênh rạch nước ta quá dày đặc, cứ đi khoảng 5 km là bắt gặp một con sông, suối nên chính quyền sở tại không thể nào kiểm soát hết được? Hay còn nguyên nhân nào khác?
Cách đây ba năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị về Tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, Chỉ thị cũng đề cập rất rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền về vấn đề này: “Chính quyền cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi”. Tuy nhiên, qua những vụ học sinh, trẻ em bị đuối nước trong những ngày, tháng qua chúng tôi nhận thấy việc, “cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời” của chính quyền địa phương sở tại còn bị xem nhẹ, nói cách khác còn rất lơ là.
Ông Đặng Trọng Sơn (68 tuổi, xã Bắc Thành, Yên Thành, Nghệ An), người nghe tiếng hô cứu của nhóm học sinh bị sẩy chân xuống hố sâu ở gần đó và đã chạy ra cứu nhưng không kịp, khiến 5 em học sinh tửvong hôm 30.5 cho biết: “Nếu như chính quyền địa phương có cắm biển “Nước sâu nguy hiểm, cấm tắm” thì sự việc đau lòng có khi đã không xảy ra”. Căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng thì chính quyền nơi đây không thể vô can trong vụ việc 5 em học sinh bị đuối nước ở Yên Thành (Nghệ An) mới đây.
Chỉ thị đã có. Các Bộ, ngành đã vào cuộc với nhiều biện pháp và hoạt động rất thiết thực nhằm ngăn chặn tình trạng đuối nước đối với học sinh, trẻ em. Còn các cấp chính quyền, đặc biệt là ở những nơi có mật độ sông, suối, ao hồ dày đặc, đan xen trong khu vực hoặc cộng đồng dân cư thì như thế nào? Đây là vấn đề rất cần được quan tâm sát sao, chứ không thể “trên thì nóng, dưới thì lạnh”.
NGUYỄN HÒA