Xây dựng văn hóa ứng xử phải đi kèm chế tài
VHO- Tại Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” được tổ chức nhân dịp Hội báo toàn quốc 2019 nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng văn hóa ứng xử nhằm thay đổi hành vi cho đúng chuẩn văn hóa. Mục đích là xây dựng lối sống văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội, nhất là văn hóa ứng xử văn minh, nhân văn hơn.
Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”
Có thể nói thời gian qua, trong đời sống văn hóa nước ta xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực, nhất là văn hóa ứng xử chưa đúng mực, không phù hợp với đạo đức xã hội, thậm chí nền tảng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do mặt trái của cơ chế thị trường làm cho xã hội biến đổi, một số bộ phận người dân có lối sống coi trọng đồng tiền hơn văn hóa, đạo đức, tình cảm. Đặc biệt, trong thời gian khá dài chúng ta chưa thật sự chú trọng, quan tâm đúng mức đến vấn đề văn hóa ứng xử, lối sống đạo đức...
Tuy nhiên, khi nhận thức được vấn đề, chú ý nhiều hơn đến văn hóa ứng xử thì lại lúng túng, chưa có giải pháp, cách thức thực sự phù hợp, hiệu quả để xây dựng lối sống văn hóa tiến bộ, ứng xử chuẩn mực hơn.
Hiện nay dường như chúng ta mới quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, vận động, thuyết phục mà chưa thật sự chú trọng việc quy định, thực hiện các chế tài đối với những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Ví dụ, những người có hành vi chen lấn, xô đẩy, không chịu xếp hàng ở nơi công cộng nhưng mọi người cũng ít khi lên tiếng phản đối, xem như không phải việc của mình.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng liên quan lại chưa có biện pháp can thiệp, nhắc nhở, xử lý thích đáng các hành vi thiếu văn hóa trên. Hay như tình trạng thiếu ý thức xả rác bừa bãi, tùy tiện gây ô nhiễm môi trường sống, chen lấn, phóng nhanh vượt ẩu khi tham gia giao thông... cũng không bị xã hội lên án đúng mức, xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa đưa ra được chuẩn mực, tiêu chí cụ thể để những người chưa có cách thức ứng xử phù hợp, trái đạo đức có thể tự soi mình và dần sửa chữa khi bị xã hội lên án, phản ứng.
Vì vậy, theo chúng tôi, bên cạnh việc xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp, kết hợp nhân rộng, lan tỏa các điển hình về người tốt, việc tốt trong ứng xử hằng ngày thì cần phải có chế tài xử lý đối với các hành vi thiếu văn hóa, ứng xử chưa phù hợp. Theo đó, những hành vi vô ý thức, thiếu văn hóa phải bị xử lý nghiêm, triệt để “đến nơi, đến chốn”, tuyệt đối không qua loa, hình thức, xem nhẹ.
Cùng với đó, dư luận xã hội phải lên án phản đối, tẩy chay các tổ chức, cá nhân có hành vi thiếu văn hóa, tiêu cực trong ứng xử hằng ngày. Có như vậy, mục tiêu xây dựng văn hóa ứng xử, thay đổi hành vi của người dân mới đi đến thành công, nề nếp và tạo thói quen ứng xử văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân trong toàn đời sống xã hội.
THS PHẠM VĂN CHUNG