Xây dựng con người bắt đầu từ trẻ em
VHO- Ngày 26.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị ban hành rất kịp thời khi mà trong những năm vừa qua, dù Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm bảo đảm quyền trẻ em song một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân về văn hoá như sự suy giảm thuần phong, mỹ tục, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Trẻ em là tương lai của đất nước, là hạnh phúc của mỗi gia đình. Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thương yêu và quan tâm đặc biệt đến trẻ em. Người coi trẻ em là những mầm non của dân tộc, những người chủ tương lai của đất nước. Bác Hồ từng nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Thực hiện lời Bác, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược xây dựng con người.
Ở phương diện quản lý, ngành Văn hóa cũng luôn coi trọng việc chăm lo, chăm sóc cho trẻ em. Xây dựng văn hóa gia đình lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển nhân cách chính là cách cụ thể hoá hành động chăm sóc trẻ em. Những tiêu chí ứng xử cụ thể theo Quyết định 4843/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, theo đó: Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; Quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; có tình cảm gắn bó tha thiết; là định hướng xây dựng các tiêu chuẩn quan hệ cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, hình tượng trẻ em cũng là cảm hứng sáng tác trong rất nhiều các tác phẩm văn học nghệ thuật. Những bài hát dành cho thiếu nhi, những bức tranh về thiếu thi, những bài thơ về thiếu nhi và của thiếu nhi... đã là một chủ đề yêu thích trong sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ. Hình tượng thiếu nhi được xây dựng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đã tạo ra sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ và phổ biến những giá trị đạo đức. Những sáng tác này đã truyền cảm hứng cho hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Xây dựng con người, bắt đầu từ trẻ em, là mục đích giáo dục của mọi nền văn hóa. Giáo dục, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của trẻ em sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhân cách con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nelson Mandela, cố Tổng thống Nam Phi, người truyền cảm hứng tự do cho toàn thế giới đã từng nói “Không có bức tranh nào rõ rệt về linh hồn của một xã hội hơn là cách xã hội ấy đối xử với trẻ em”. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em chính là sự thể hiện tính ưu việt của một chế độ xã hội, trong đó, ngành văn hóa đóng vai trò quan trọng. Chúng ta hy vọng rằng, trẻ em Việt Nam được nuôi dưỡng, lớn lên trong môi trường văn hóa lành mạnh, sẽ trở thành những công dân tốt của đất nước trong tương lai, để xây dựng đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Bác.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN