Về “chuẩn mực con người Việt Nam”

VHO- Xây dựng “chuẩn mực con người Việt Nam” trong thời kỳ mới có vai trò hạt nhân để xây dựng hệ giá trị gia đình, giá trị văn hóa và hệ giá trị Việt Nam… Có nhiều cách diễn đạt về “chuẩn mực con người”. Người viết cho rằng đó là xác định những mức độ thích hợp nhất về phẩm chất cơ bản của con người Việt Nam như thể chất, năng lực trí tuệ và đạo đức để mọi người hướng tới, noi theo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, “chuẩn mực” đó không phải là một chỉ số định lượng hay định tính “cứng” như các điều khoản của luật pháp.

 Cũng không phải là “chỉ tiêu” cho mỗi cá nhân phải đạt được trong thời hạn nhất định. Như vậy “chuẩn mực con người Việt Nam” nên hiểu là những chỉ số “trung bình” và những giá trị tinh thần của cả cộng đồng về thể chất, năng lực trí tuệ và đạo đức. Có thể hình dung việc “xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam” giống như thiết kế một mô hình theo những kích thước nhất định và phẩm chất nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, đa trình độ dân trí nên vấn đề lựa chọn thước đo chuẩn mực chung sẽ không đơn giản.

Trước tiên là chuẩn mực về thể chất người Việt Nam. Theo nghiên cứu của Nubest Vietnam, thời điểm 2022, chiều cao trung bình của phái nam là 168,1 cm (chỉ hơn Indonesia và Philippin) của nữ là 156,2 cm (chỉ hơn Philippin, Indonesia, Campuchia). Như vậy chuẩn mực mới sẽ là bao nhiêu? Về tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày nay là 73 năm, nhưng sống khỏe mạnh chỉ được 64 năm, do đó tỷ lệ già hóa dân số khá cao. Vậy chuẩn mực mới có thể sẽ là bao nhiêu? Đó là những vấn đề có thể tính toán được trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội và các giải pháp hỗ trợ về dinh dưỡng và thể dục, thể thao và tiến bộ về y học.

Về trình độ học vấn của người Việt Nam. Theo số liệu thống kê, đến 2020 hầu hết độ tuổi từ 9 - 15 đã tốt nghiệp cấp II (lớp 9), cả nước có 36,5% dân số có trình độ học vấn từ THPT trở lên, 19,2% có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó 9,3% có trình độ đại học trở lên. Như vậy không thể đo chuẩn mực học vấn của người Việt Nam bằng một chỉ số trung bình của cả nước, mà sẽ là tỷ lệ các cấp học được nâng lên bao nhiêu trong khung thời gian bao lâu?

Về chuẩn mực văn hóa đạo đức của người Việt Nam. Đây là những giá trị phi vật thể, bao gồm nhiều khía cạnh. Đồng thời còn tùy thuộc vào những đặc thù văn hóa của 54 dân tộc nên không thể có thước đo là chỉ số định lượng chung hoặc những quy định chung về hành vi cụ thể cho tất cả mọi người. Nên phải có thước đo riêng cho những chuẩn mực cơ bản nhất. Chuẩn mực quan trọng nhất là phải có tinh thần yêu nước, đồng thời có ý chí độc lập dân tộc, có tinh thần đại đoàn kết toàn dân từ vùng miền, làng xã đến gia đình, có ý thức “mình vì mọi người”, có ý thức “sống làm việc theo pháp luật”, có ý thức bảo vệ môi trường, có ý thức chống tệ nạn xã hội… Những khía cạnh đó không thể đo bằng những chỉ số định lượng cụ thể.

Ngoài những chuẩn mực chung cho tất cả người Việt như đã nêu trên, có thể nghiên cứu xây dựng chuẩn mực đặc thù cho một số đối tượng cụ thể như chuẩn mực của cán bộ, công chức có thước đo là không tham nhũng, không phiền hà dân, không xa rời quần chúng, có tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân… Chuẩn mực cho lực lương vũ trang có thước đo là trung thành với tổ quốc, làm đội quân công tác và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc… Chuẩn mực cho giới trí thức có thước đo là cống hiến tài năng, trí tuệ cho phát triển đất nước… Chuẩn mực cho giới văn nghệ sĩ có thước đo là xây dựng và bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam nhưng không thể loại trừ được hoàn toàn các trường hợp “lệch chuẩn”. Vì không phải đề ra được các chuẩn mực là tự nó thành hiện thực mà phải có những giải pháp thực hiện cụ thể. Đồng thời kết hợp chặt chẽ với các giải pháp chống lệch chuẩn, không để nó lấn át các chuẩn mực tốt đẹp.

Những nội dung trên chưa phải đã bao quát toàn bộ những chuẩn mực cần phải xây dựng cho con người Việt Nam mà chỉ là một số ý kiến để tham khảo góp phần trong quá trình nghiên cứu các hệ giá trị khác. 

 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc