Vẫn chưa thể… khuyến khích
VHO- Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã giảm sâu, hiện chỉ ở mức dưới 1.000 ca/ngày. Một chuyên gia trong ngành nhận định, nhiều nước trên thế giới đã gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, không bắt buộc người dân đeo khẩu trang, và Việt Nam ta cũng nên chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Vậy, các “K” của chúng ta liệu có còn cần thiết?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
Người viết bài này vừa bị mắc Covid-19, đáng nói là không thể xác định lây từ nguồn nào và từ bao giờ. Chỉ biết, sau một đêm ngủ dậy, sáng ra thấy họng khàn đặc, test kit thì đã lên “hai vạch” đỏ chói. Nói ra để thấy, dù Covid không còn quá đáng sợ, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan, khi nó vẫn đang rình rập, đang hiện hữu “nhan nhản” ngoài kia, và cũng không thể biết trước liệu chúng có còn biến thể, biến dạng, biến đổi nguy hiểm đến tính mạng con người nữa hay không.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS mới đây, Tổng thống Mỹ Biden tự tin phát biểu “đại dịch hoành hành khắp thế giới ba năm qua đã chấm dứt”. Ông cũng cho rằng, ở nước Mỹ chẳng còn ai đeo khẩu trang nữa và mọi người đều thấy khỏe. Tuy nhiên, báo cáo của CDC Mỹ lại cho thấy, vẫn còn khoảng 400 người tử vong mỗi ngày vì Covid-19 ở nước này và bản thân ông Biden cũng 2 lần chiến đấu với căn bệnh từ hồi tháng 7.2022 và vợ ông mắc bệnh một tháng sau đó. Vì thế, các chuyên gia vẫn đang tiếp tục bàn cãi liệu virus Corona đã thật sự cán đích?
Dư luận xã hội chia thành hai phe, một phe đồng tình không thể lơ là trước dịch bệnh; cần phải tăng cường tiêm vắc xin và nghiên cứu các phương pháp điều trị tốt hơn, đồng thời các tổ chức khoa học và ngành y tế phải nỗ lực áp dụng các bài học kinh nghiệm từ việc phòng, chống Covid-19, để từ đó chuyển hướng nghiên cứu sang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Ở phe ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng nhân loại đã có vắc xin phòng ngừa, Covid đã được thanh toán, đã khai tử, giờ mấy ai chết vì Covid nữa, mọi người đều phải tiếp tục sống, tiếp tục ra đường để duy trì dòng chảy xã hội, vì thế không nên áp dụng các biện pháp “K” nữa, nên để mọi việc trở về thực trạng như nó vốn có.
Quay trở về bản thân người viết, trong thâm tâm là thuộc phe số hai, bởi trong đầu hình bóng “con cô vi” đã gần như không hiện hữu. Vài tuần trước vẫn rất tự tin, phơi phới ra đường, ăn uống, sinh hoạt cộng đồng mà không hề nghĩ đến việc mình sẽ bị nhiễm bệnh để mà phòng ngừa như thời dịch bệnh cao điểm. Nhưng, “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, đến khi Corona hỏi thăm thì vẫn cứ ngỡ ngàng “có làm gì đâu mà lây bệnh nhỉ”. Ngẫm ra thì thấy, quả là mình đã rất chủ quan!
Đến đây có thể khẳng định, Covid-19 vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, do vậy cần tiếp tục thực hiện biện pháp phòng dịch, đặc biệt là khuyến khích người dân tiêm chủng đúng lịch khi có chỉ định, tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, đeo khẩu trang khi ra đường và đến nơi công cộng để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Tại Việt Nam, đối với những biện pháp không quá phiền phức như đeo khẩu trang, khử khuẩn, chúng ta vẫn cần duy trì thực hiện và áp dụng bắt buộc chứ chưa thể chuyển qua động viên, khuyến khích như một số người có chuyên môn đề nghị. Bởi xưa nay, phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh!
ĐỖ CAO HUYỀN