Truyền thống hiếu học qua ngày Nhà giáo Việt Nam
VHO- Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, do có bố là giáo viên nên kỷ niệm tuổi thơ của tôi là những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa và đặc biệt là không khí vui nhộn của đám học trò nhất quỷ, nhì ma. Tình cảm thầy trò sâu lắng, thậm chí có những người sau 30 - 40 năm vẫn lặn lội đến thăm thầy, trò chuyện, tâm sự với thầy chuyện gia đình, chuyện đời, chuyện nghề. Những chia sẻ riêng tư và sâu sắc ấy thể hiện không chỉ tình nghĩa thầy - trò, mà thâm sâu hơn có thể xem như tình nghĩa cha - con.
Tất cả những chi tiết ấy khiến tôi nghĩ nhiều hơn về đạo học nói chung, truyền thống hiếu học nói riêng của dân tộc.
Trong xã hội truyền thống, ba người có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của một cá nhân theo thứ tự là quân (vua) - sư (thầy) - phụ (cha). Điều đó cho thấy địa vị đặc biệt của người thầy. Vì tính chính danh trong xã hội, giữ đạo làm thầy, trách nhiệm cũng không thua kém gì so với giữ đạo làm trò. Hình ảnh người thầy trong xã hội truyền thống thiêng liêng là vì như thế. Từ đó, kính trọng thầy giáo, đề cao việc học hành được hình thành, tạo nền tảng cho truyền thống hiếu học của người Việt.
Chào mừng Ngày 20.11 tại Trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội. Ảnh: Trần Huấn
Truyền thống hiếu học dựa trên truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Trải qua hàng ngàn năm, nước ta có hàng ngàn, hàng vạn gương hiếu học, và cũng từ những con người học hành thành đạt mà đã hình thành nên những làng xã có nhiều nhà khoa bảng, những dòng họ khoa bảng. Hiếu học trở thành một phẩm chất quý giá ở người Việt. Xưa kia, trong “Luận ngữ” có câu “Học nhi bất yếm” (Học không biết chán). Ở Việt Nam, trước kia và ngày nay, hàng triệu con người đã và đang thể hiện tính cách đó.
Truyền thống hiếu học là yếu tố quan trọng để tạo nên trí tuệ Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam và đạo đức con người Việt Nam, góp phần hình thành nên nền văn hiến của đất nước. Truyền thống quý báu ấy của dân tộc được cụ thể hóa qua ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày đặc biệt này không chỉ tôn vinh các thầy cô giáo, mà còn là dịp nhắc nhở chúng ta về truyền thống hiếu học của dân tộc, nhờ truyền thống này, văn hoá của dân tộc được gìn giữ và trở thành động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, dù có điều này, điều kia vẫn đang xảy ra với ngành giáo dục, nhưng không thể phủ nhận vai trò của nhà trường đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi cá nhân. Chúng ta cần kế thừa những hạt nhân hợp lý của truyền thống hiếu học để tạo ra những con người đam mê khoa học, không ngừng tìm kiếm tri thức. Con người chính là nguồn lực quan trọng nhất của mỗi quốc gia và phần lớn nguồn lực ấy được hình thành qua giáo dục, ở đó, giáo dục giúp mỗi người học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình. Tôn vinh truyền thống hiếu học cũng là cách chúng ta tôn vinh những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, từ đó, xây dựng một xã hội học tập suốt đời và lấy đây là điểm tựa đưa đất nước phát triển hùng cường.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN