Thước đo của chân lý
VHO- Năm 2001, khi làm cuốn sách Các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi 1819-1918 (NXB Đà Nẵng), tôi nghiệm ra rằng, trong số 134 nhà khoa bảng của tỉnh này, các ông tiến sĩ, phó bảng phần nhiều không làm được điều gì trong lịch sử; trong khi các ông chỉ đỗ cử nhân như Nguyễn Duy Cung, Lê Trung Đình, thậm chí chỉ đỗ tú tài (không nằm trong danh sách 134 vị nói trên) như Nguyễn Tự Tân, Lê Ngung… lại nổi bật.
Danh sách các nhà khoa bảng đã ghi rõ trong một số tác phẩm Hán ngữ như Quốc triều đăng khoa lục, Quốc triều hương khoa lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chứ không ở đâu xa. Nếu người làm sách thời nay chỉ căn cứ vào danh sách ấy thôi thì khá đơn giản, cũng không hơn gì người xưa, và người ta cho rằng thực chất ấy là sách dịch cũng không có gì quá đáng. Cái khác trong sách của tôi chính là tìm xem các vị khoa bảng đỗ đạt rồi thì làm được gì cho đất nước - bài test cuối cùng và thực chất nhất.
Qua hai mươi năm, giờ ngẫm lại phương pháp của mình tôi tự thấy là vẫn đúng, bởi học hành thi cử đâu phải chỉ để lấy được tấm bằng cho “đẹp” làm màu với thiên hạ, mà để có đóng góp gì đó thực sự cho đất nước. Học hành thi cử không có mục đích tự thân, học để mà học, và ngẫm xa hơn, muốn đánh giá kết quả của một nền giáo dục, không phải anh xem nó cho ra bao nhiêu tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, mà phải từ thực tiễn rằng các vị ấy đã làm được cho đất nước những gì, bao nhiêu? Tôi cũng nghiệm ra, nguyên lý của triết học Mác - Lênin cho rằng, thực tiễn là thước đo, là tiêu chuẩn của chân lý là quá chuẩn xác!
Từ nguyên lý ấy soi qua công tác cán bộ, công chức. Mới rồi, nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật. Có ý kiến cho rằng vì khâu “đầu vào” đã để lọt những người chưa xứng đáng. Tôi nghĩ rằng không phải để lọt, mà nhiều người có thể biết trước, nhưng không muốn, hoặc không dám nói ra. Những người tốt, người giỏi và những kẻ xấu, kẻ kém trong một cơ quan, một đơn vị, một địa phương - người ta đều thấy cả, thông qua kết quả thực tế trong quá trình công tác. Người làm quy hoạch có muốn nghe, dám nghe hay không lại là chuyện khác. Và người trung thực không dại gì nói ra để chuốc lấy bất lợi cho mình, nếu không có cơ chế bảo vệ họ. Rốt cuộc, những kẻ khéo báo cáo vẫn cứ thăng tiến, và người trung thực phải “đứng hình”.
Có rất nhiều than phiền về việc đầu tư cho khoa học, điều ấy đúng. Nhưng mặt khác, cũng cần phải tự hỏi rằng đề tài mà các vị thực hiện có phải là khoa học không đã. Dư luận đều thấy không ít các luận án tiến sĩ, các đề tài khoa học đã thông qua, đã nghiệm thu xong đem… cất tủ. Đã có bao nhiêu “đề tài” như vậy trong mấy chục năm qua, trên khắp cả nước? Cái quan trọng hay thực chất của các nghiên cứu ở đây là trên thực tế nó có tác động như thế nào trong đời sống, giả như không có nó thì đời sống có ảnh hưởng gì không?
Lại nói về việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Sở dĩ đời sống cần có nghệ sĩ là bởi tự thân xã hội có nhu cầu thỏa mãn tinh thần. Từ ấy mới xuất hiện những người chuyên nghề sáng tạo, biểu diễn. Sáng tạo nghệ thuật phải đáp ứng nhu cầu của công chúng. Dù vậy, trong nghệ thuật có một vài trường hợp có sự “vênh” nhất định giữa sáng tạo của văn nghệ sĩ với thưởng thức của công chúng. Có tác phẩm mà tác giả tự coi là cao siêu, bất cần công chúng thưởng thức, như tiếng đàn tri âm của Bá Nha với Tử Kỳ, khi Tử Kỳ chết thì Bá Nha cũng đập vỡ luôn đàn. Ngược lại, có tác giả rất ăn khách nhưng bị coi là chiều theo “thị hiếu tầm thường” của công chúng, chứ không thực sự giá trị. Nhưng nói gì thì nói, tác phẩm ra đời không hướng đến công chúng thì hướng đến ai? Không có công chúng, nghệ thuật mất đi tính mục đích, và đương nhiên không có lý do tồn tại. Công chúng càng mến mộ thì tác động của nghệ sĩ càng lớn. Trong các tiêu chuẩn xét phong danh hiệu nghệ sĩ, cần coi trọng, đặt lên hàng đầu yếu tố thực tiễn là mức độ mến mộ trong công chúng, tác động thực tế hoạt động nghệ thuật của bản thân người nghệ sĩ ấy.
Thực tiễn là thước đo của chân lý. Nguyên lý hàng đầu ấy cần phải được áp dụng không chỉ trong công tác cán bộ, trong khoa học mà cả trong nghệ thuật!
CAO CHƯ