Thay đổi thói quen, lối sống từ dịch Covid-19

VHO-Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chúng ta phát hiện tầm quan trọng của vệ sinh dịch tễ đối với văn hóa. Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật vốn tập trung đông người, là nơi dễ dàng phát tán bệnh tật. Vì thế khi bệnh dịch bùng phát, việc hạn chế các sự kiện văn hóa, nghệ thuật là một cách để tránh dịch bệnh lây lan.

Có nhiều thắc mắc liên quan đến việc hạn chế quyền văn hóa của người dân, đặc biệt là khi hàng ngàn lễ hội xuân đang đến đúng thời điểm tổ chức. Người dân chuẩn bị tinh thần, vật chất để “tưng bừng” mở hội thì “đùng một cái”, các lễ hội dừng. Đã từ lâu người dân không quen với việc dừng lễ hội truyền thống của mình, và rõ ràng, họ bỡ ngỡ khi các văn bản không cho phép tổ chức lễ hội được ban hành và có hiệu lực ngay lập tức.

Thay đổi thói quen, lối sống từ dịch Covid-19 - Anh 1

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Phú Thọ ngừng tổ chức

Câu chuyện ở đây là, các biện pháp quản lý trên phải nói là hết sức cần thiết trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả nước dồn sức chống dịch để cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường, và Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh “có thể hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo đảm sức khỏe cho người dân” thì việc hạn chế nhu cầu văn hóa để bảo đảm nhu cầu cơ bản được sống của người dân là một hành động được ủng hộ. Lúc này, chúng ta thấy ngay tầm quan trọng của y tế. Vì y tế liên quan đến sức khỏe của từng người dân và cả cộng đồng nên việc chăm lo cho y tế là nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và cả mỗi người dân. Những hoạt động văn hóa nghệ thuật bị ảnh hưởng dây chuyền là điều tất yếu.

Việc lễ hội tạm dừng, các chương trình văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao hoãn, huỷ là vì một mục đích lớn của dân tộc: sức khỏe cộng đồng trên hết. Đến lúc này, chúng ta thấy thấm thía hơn những lời cầu xin đầu năm trong những đền chùa miếu: Sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Và cũng thấy mối quan hệ giữa văn hóa và sức khỏe! Văn hóa với y tế lúc này không chỉ đơn giản là câu chuyện của y đức. Những nhu cầu vật chất, tâm sinh lý, trong đó sức khỏe ở vị trí trung tâm, chính là những tiền đề để phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Ở đây, chúng ta thống nhất với nhau một nguyên tắc rằng, văn hóa luôn luôn biến đổi và thích nghi với xã hội mà nó tồn tại. Trên một phương diện nào đó, những gì tồn tại luôn có lý do hợp lý của nó (không tồn tại cũng tương tự như vậy). Các sinh hoạt văn hóa không nằm ngoài quy luật này. Lễ hội truyền thống ngày hôm nay là một sản phẩm của lịch sử, không chỉ là sản phẩm của xã hội đương đại, và sẽ có sự khác biệt ở xã hội tương lai. Trong lịch sử, lễ hội truyền thống đã nhiều lần dừng tổ chức. Nếu không phải là do chiến tranh, thì cũng là do bệnh dịch hoặc thiên tai. Nếu ai đó nghiên cứu kỹ về lễ hội truyền thống, đến các làng quê, hỏi các cụ cao tuổi sẽ thấy rất rõ hoàn cảnh này. Nhiều lễ hội còn quy định hội chính, hội lệ, trong đó, hội chính có thể 3 hay 5 năm mới tổ chức 1 lần.

Chính vì thế, việc tạm dừng lễ hội hay một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật nào đó không thể là nguyên nhân của sự phai nhạt văn hóa. Không những thế, việc tạm dừng nhiều khi lại là cơ hội để chúng ta điều chỉnh hành vi của mình đối với các sinh hoạt văn hóa, để các sinh hoạt văn hóa trở nên phù hợp hơn đối với xã hội đương đại. Mỗi một xã hội có văn hóa riêng của mình, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh có lý do để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từ những trải nghiệm của chính thời đại mình.

Văn hóa luôn thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống, chính vì thế, bối cảnh dịch bệnh đã khiến cho chúng ta xem xét, thay đổi văn hóa (hay ở đây là thói quen, lối sống) để đối phó với dịch bệnh này. Từ việc phòng chống dịch, chúng ta chợt nhận ra rằng, nhiều thói quen hằng ngày giờ không phù hợp với nhịp sống hiện đại và bối cảnh đô thị, hội nhập quốc tế nữa. Thói quen khạc nhổ, vứt rác bừa bãi nơi công cộng, không rửa tay sạch sẽ bị lên án rất lâu, có cả các văn bản chấn chỉnh nhưng mãi vẫn không đi vào cuộc sống, hay sở thích ăn thịt động vật hoang dã, thì sau dịch bệnh Covid-19, người dân trở nên có ý thức hẳn. Bài học này cho thấy, những thói quen gì liên quan mật thiết đến tính mạng người dân, khi được tuyên truyền đúng cách, đủ liều sẽ có hiệu quả tốt.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc